Miền Trung chống dịch, muôn chuyện yêu thương

07:30 | 10/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền trung, nơi đây đã xuất hiện nhiều câu chuyện chống dịch đầy yêu thương, nhân văn sâu sắc. Từ chuyện người dân nhường nhà cho chốt kiểm dịch ở Quảng Trị, tới việc chính quyền và người dân lập khu cách ly dã chiến bằng tre nứa ở Nghệ An…

Khu cách ly dã chiến bằng tre nứa ở miền núi Nghệ An

Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An đã sử dụng vật liệu sẵn có là tre, nứa, để làm nhà dã chiến phục vụ cách ly cho công dân từ xa về. Với cách làm linh hoạt này, không chỉ giảm sự quá tải cho các khu cách ly hiện có, mà còn là giải pháp để các địa phương trả lại trường lớp - vốn đã được trưng dụng làm nơi cách ly trước đó, cho các trường thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Trong thời gian qua, huyện Con Cuông có hàng ngàn công dân từ các tỉnh trở về quê, được cách ly tại điểm cách ly tập trung ở xã, trong các trường học.

 Bước vào năm học mới, huyện đã chỉ đạo các cơ sở phải khẩn trương trả lại mặt bằng trường lớp học, để các trường thực hiện nhiệm vụ. Để có chỗ ở mới cho công dân đang chấp hành việc cách ly tập trung, các xã đã huy động nhiều lực lượng, sử dựng các nguyên liệu sẵn có như tre, nứa, mét, lá cọ… để dựng những khu nhà cách ly dã chiến.

Trong điều kiện khó khăn, những căn nhà dã chiến được dựng lên để bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người thuộc diện cách ly tập trung

Bí thư Huyện đoàn Con Cuông -  Lữ Thị Băng Châu cho biết, các xã, thị trấn huy động lực lượng thanh niên, phối hợp với các đoàn thể của các xã vào rừng chặt tre, nứa về giúp dựng nhà làm nơi cách ly cho những người trở về từ vùng dịch.

 Những căn nhà dã chiến này đã được dựng lên ở các xã Lạng Khê, Yên Khê, Đôn Phục, Lục Dạ, Bình Chuẩn… bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người dân khi cách ly tại đây. Mỗi khu vực cách ly dã chiến đều có hệ thống nước sinh hoạt bảo đảm, khu vệ sinh phù hợp, có lực lượng chốt chặn, kiểm soát bên ngoài.

Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Xây dựng nhà dã chiến làm nơi cách ly tập trung là giải pháp phù hợp trong thời điểm này. Tuy nhiên, huyện cũng yêu cầu, trong quá trình dựng nhà, phải tìm địa điểm phù hợp, chú ý việc xây dựng phải bảo đảm chắc chắn ngay cả khi diễn biến thời tiết xấu, mưa lũ xảy ra.

“Từ đầu đợt dịch đến nay, có gần 3.200 công dân trở về địa phương tránh dịch. Hiện tại trên địa bàn có gần 300 người đang phải cách ly, tập trung. Việc các địa phương xây dựng các nhà dã chiến trong thời điểm này rất thiết thực”, ông Việt cho hay.

Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, rất nhiều công dân đang cách ly tập trung tại các trường, lớp học, cũng đã di tản ra các khu nhà cách ly dã chiến để trả lại cơ sở vật chất cho nhà trường.

Trong điều kiện khó khăn, những căn nhà dã chiến được dựng lên để bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người thuộc diện cách ly tập trung rất thiết thực

Tại xã Bắc Lý, một xã rất khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) nhưng những ngày qua, địa phương cũng đã khắc phục khó khăn, huy động tất cả nhân lực từ các tổ chức, người dân tham gia xây dựng nhà cách ly dã chiến. Theo lãnh đạo xã Bắc Lý, thời gian qua, địa phương có khoảng hơn 800 người đi làm ăn xa (chủ yếu ở các tỉnh phía Nam), phần lớn người dân chưa về quê được do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Năm học mới đã đến, phải trả lại trường lớp nên xây dựng nhà cách ly dã chiến là lựa chọn duy nhất. Chúng tôi đã xây dựng 13 nhà cách ly dã chiến phục vụ cách ly trước mắt, và chuẩn bị đón những công dân từ xa về trong thời gian tới", ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Các nhà tre nứa dã chiến này, có khoảng cách hơn 2m, mỗi nhà có thể ở được 4 - 5 người, xa khu dân cư, có tổ công tác kiểm soát bên ngoài và bảo đảm công tác phòng chống dịch theo quy định.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn được biết một số địa phương khác ở Nghệ An như Thanh Chương, Tương Dương… cũng đã chủ động bỏ kinh phí, phối hợp với các đoàn thể, người dân làm các nhà tre, nứa dã chiến để phục vụ công dân cách ly, bảo đảm các quy định về phòng dịch bệnh với chiến lược lâu dài...

Người dân Quảng Trị nhường nhà cho chốt chống dịch Covid-19

Thời gian qua, tại Quảng Trị dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều người e ngại, tránh tiếp xúc, đặc biệt là các địa điểm như khu cách ly, chốt kiểm dịch… Vậy nhưng chị Trịnh Thị Nga, ở thôn Cu Tài 2,( A Bung – Đakrông) đã sẵn sàng hiến cả ngôi nhà của mình để làm chốt kiểm dịch.

Không những nhường nhà cho chốt kiểm dịch, chị còn trực tiếp bám trụ tại điểm nóng, đi chợ gần 10 km, phục vụ nấu ăn cho các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Nga làm nghề ươm và bán cây giống cho người dân trong vùng. Khi nghe tin chính quyền cần tìm địa điểm đặt chốt chống dịch, chị đã chủ động liên hệ với ủy ban xã, nhường ngôi nhà của mình cho chốt chống dịch. Từ đó, khu vườn ươm được dọn dẹp đi để làm nơi lấy mẫu. Chiếc xe tải của gia đình cũng được đưa đến nơi khác nhường sân để chốt làm việc.

Chị Nga chuẩn bị bữa cơm cho cán bộ Chốt kiểm dịch

Chị Nga cho biết: “Trong lúc dịch bệnh phức tạp, gia đình xin nhường cho chính quyền sử dụng ngôi nhà của chúng tôi, chỉ mong dịch nhanh qua để bà con yên tâm đi lại, sản xuất”.

Trước đây, chốt kiểm dịch Covid-19  nhánh tây đường Hồ Chí Minh được đặt tại Ngã 3 xã A Ngo. Do tình hình mới, chốt được dời đến thôn Cu Tài 2 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, sát giữa khu vực tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Ban đầu tổ công tác dự định dựng lán trại tại một bãi đất trống bên đường, chuẩn bị bắt tay vào việc thì được tin chị Nga nhường nhà khiến các thành viên của tổ rất vui mừng. Từ những căn nhà bạt dã chiến trước đây, nay tổ công tác đã được ở nhà bán kiên cố, lợp tôn chắc chắn, đảm bảo cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ lâu dài.

Tổ công tác có 39 thành viên gồm 24 cán bộ, chiến sĩ và 15 đoàn viên thanh niên xã được tăng cường. Đối với các thành viên chốt kiểm dịch, chị Nga chính là thành viên thứ 40, cũng là người chị cả chăm lo cho cả Tổ. Có thể nói rằng, những bữa cơm ngon, canh ngọt của chị đã góp phần đảm bảo sức khoẻ và tiếp thêm động lực cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trực chốt.

Đại úy Nguyễn Ngọc Hiến, Tổ trưởng Chốt kiểm dịch Covid-19 cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của chị Nga. Không những hỗ trợ về địa điểm lập chốt, chị còn hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về mặt hậu cần. Tôi mong rằng những anh em cán bộ chiến sỹ ở trên tuyến đầu chống dịch cũng sẽ may mắn như chúng tôi, được nhân dân thương yêu, đùm bọc”.

Nhường nhà cho Tổ công tác hoạt động phần nào ảnh hưởng đến việc làm ăn kinh doanh của chị Nga nhưng chị cho biết không hề phiền lòng bởi sự cống hiến của bản thân nào so sánh được với sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đang gồng mình chống dịch vì cộng đồng.

Dồn chỗ, nhường nhà cho người cách ly y tế tại nhà.    

Mô hình tình nguyện "nhường nhà" cho những người thuộc đối tượng phải cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà trên địa bàn xã Quảng Tiên (Ba Đồn – Quảng Bình) là một cách làm hay, sáng tạo đầy nhân văn. Đây là mô hình hiệu quả, nhận được sự đồng lòng của người dân sinh sống tại đây.

Với điều kiện nhà ở nông thôn chưa có nhiều nhà thiết kế có phòng ở riêng biệt, cuộc sống sinh hoạt mọi người trong gia đình thường tập trung nên khó đảm bảo yêu cầu việc cách ly tế. Để khắc phục và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống Covid-19, đặc biệt đảm bảo an toàn cao nhất trong việc cách ly tế và theo dõi sức khỏe tại nhà, BCĐ phòng chống Covid xã Quảng Tiên đã giao các thôn thống kê những nhà không có người ở, những nhà ông bà già ở gần con để vận động dồn chỗ ở, nhường nhà cho người thuộc diện cách ly, theo dõi y tế tại nhà và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Hiện tại trên địa bàn xã Quảng Tiên có 07 hộ gia đình "nhường nhà" cho 14 người thuộc diện cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà, các thành viên trong gia đình di chuyển đến ở tại nhà người khác. Việc cách ly và theo dõi y tế tại nhà được các lực lượng chức năng của xã phối hợp với ban cán sự thôn, xóm thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định.

Gia đình ông bà Hoàng Thị Thanh chuyển đến chổ ở mới tạm thời để nhường nhà phục vụ người cách ly y tế.

Bà Hoàng Thị Thanh, thôn Vinh Quang, xã Quảng Tiên, chia sẽ :"Vừa qua gia đình tôi có con từ vùng dịch về nên vợ chồng chúng tôi đã nhường nhà lại cho con, để giữ an toàn tuyệt đối cho mọi người, vợ chồng tôi dọn về ở tại quán của người cháu đang tạm dừng hoạt động"

Ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, cho biết: “Để triển khai việc này, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tổ chức họp với BCĐ phòng chống dịch Covid-19, nội dung dồn chỗ, nhường nhà phục vụ công tác phòng chống chống dịch được thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn, xóm và nhận được sự đồng tình cao của bà con nhân dân. Bà con đã tự nguyện đăng ký nhường nhà cho người thân trong gia đình thực hiện cách ly đảm bảo an toàn”.

 Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bà con nơi đây đã phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Việc “nhường nhà" cho người cách ly đối với các hộ dân tại xã Quảng Tiên có thuận lợi là các nhà dân cách xa nhau, điều kiện nhà cửa, công trình vệ sinh đảm bảo, trong vườn có trồng rau màu có thể tự cung cấp bổ sung thêm thực phẩm trong những ngày cách ly.

Tổ Covid cộng đồng đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, vận động; giám sát nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có uy tín, luôn tích cực với công việc của địa phương đã tạo nên thế trận lòng dân trong phòng, chống dịch, giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Thời gian tới thị xã Ba Đồn  tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình "dồn chỗ", "nhường nhà" cho bà con đi từ vùng dịch về cách ly tại nhà, sẵn sàng phương án cho các cấp độ cao hơn khi diễn biến dịch càng phức tạp, qua đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19.