Nghệ An: Chống dịch với phương châm “cao hơn một mức, sớm hơn một bước”
Nguy cơ bùng phát dịch là rất cao
Tính đến 8h ngày 19/8, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 683 ca nhiễm tại 20 địa phương. Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Vinh, đến nay đã ghi nhận 86 ca nhiễm ở 8 huyện, thành, thị. Ngoài ra, còn có các ổ dịch khác tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, Thái Hòa, Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.
Trong đó, TP. Vinh là địa bàn có nguy cơ rất cao, khi đã có 16/25 xã/phường (trên 50% số xã) ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát: chợ Đầu mối, chợ Quang Trung, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Liên quan đến nhiều ca bệnh tại nhiều địa phương trong tỉnh và liên quan ca bệnh Hà Tĩnh. Lộ trình di chuyển và yếu tố tiếp xúc của các trường hợp F0 rất phức tạp, nhiều địa điểm công cộng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành, thị vào cuộc quyết liệt, cả hệ thống và dựa vào dân trong việc rà soát các trường hợp có liên quan đến chợ Đầu mối, chợ Quang Trung, các chợ liên quan và các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 (F1) trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi phát hiện.
Điiểm chốt phòng dịch luôn trực chiến 24/24
Để phòng, chống dịch, đã có 6 địa phương gồm: TP. Vinh, TX Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Có 3 địa phương gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Thái Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Y tế sẽ xây dựng, cập nhật các kịch bản chống dịch đối với các tình huống dịch bệnh xấu nhất trên địa bàn. Xây dựng phương án trên địa bàn ghi nhận 5.000 ca bệnh trong cộng đồng. Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến số 3 tại thị xã Cửa Lò.
Sự tự giác của người dân là “ tấm lá chắn thép”
Thời gian qua, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, cấp bách trong phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mỗi người dân ngoài việc thực hiện tốt thông điệp 5K + vắc xin: “Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế và tiêm vắc xin” thì phải luôn có ý thức tuân thủ đúng các quy định về phòng, chống dịch, tự giác khai báo khi đến/về từ tỉnh có dịch đến địa phương, gia đình; theo dõi, giám sát, thông báo với cơ quan chức năng các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch; tích cực tự nguyện tham gia hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, chung tay, hỗ trợ, động viên các lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch, hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn; có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh...
Không thể không kể đến công tác truy vết, sàng lọc của ngành chức năng, tổ chức cách ly những người đến và về địa phương từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh; công tác truy vết những đối tượng liên quan đến dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu; việc tổ chức tuyên truyền, giám sát, theo dõi của các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tuyên truyền, tổ truy vết, tổ liên gia, tổ dân phố… Đặc biệt, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lực lượng chức năng từ cấp tỉnh đến cơ sở đã kịp thời, nhanh chóng xác định cụ thể những trường hợp tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Người dân đổ xô đi mua đồ trữ vì tin đồn "thất thiệt" chiều 19/8
Thế nhưng, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đâu đó vẫn còn những sự việc đáng tiếc, những hành động đáng lên án liên quan đến công tác phòng, chống dịch mà nguyên nhân chính là do một bộ phận người dân có tư tưởng lơ là, mất cảnh giác.
Chiều ngày 19/8, trước những tin đồn thất thiệt về việc giãn cách, cách ly xã hội nhiều người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm tạo ra “ làn sóng” mất an toàn cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được các cấp, ngành triển khai thì tinh thần trách nhiệm, ý thức, sự tự giác của mỗi người dân được xem là yếu tố quyết định.
“ Cao hơn một mức, sớm hơn một bước”
Tại cuộc họp trực tuyến 21 tỉnh thành của Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh diễn ra ngày hôm qua. Ban chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Nhấn mạnh quan điểm phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời điểm này là cao hơn một mức, sớm hơn một bước, thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ủng hộ quan điểm áp dụng Chỉ thị 16 tại một số địa phương để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn và Chỉ thị 15 các địa bàn còn lại. Qua phân tích tình hình dịch và địa hình, địa vật, thì các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong có thể thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Còn các huyện khác thì có thể thực hiện cao hơn một mức, sớm hơn một bước là áp dụng chỉ thị 16.
Trong 9 ngày phát hiện hơn 270 ca bệnh, trong đó các ca ở cộng đồng rất nhiều. Nguồn lây phức tạp, từ cộng đồng chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung ở những nơi đông người. việc làm ngay, khẩn cấp thời điểm này là phải tập trung khẩn cấp truy vết, khoanh vùng các F0. Công tác này rất khó, rất mệt, nhưng dù khó thế nào cũng phải làm bằng được, dốc sức làm bằng được. Khi có manh mối phải đeo bám bằng mọi lực lượng để truy vết F0, qua đó bằng mọi giá để sớm ngăn chặn việc lây lan từ các ổ dịch, ngay cả trong khu cách ly. Nếu không làm ngay, không làm khẩn cấp thì dịch sẽ lây lan rộng, ngoài tầm kiểm soát” đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh thêm.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc họp chiều 19/8
Trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu phải xây dựng phương án cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân; Quan tâm xây dựng phương án để hướng dẫn người dân sản xuất, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp vì lĩnh vực này vẫn chưa được hướng dẫn rõ.
Về việc trưng dụng các địa điểm để tổ chức làm nơi thu dung, điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành trước mắt là vận động, khi số lượng ca bệnh tăng cao thì phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh phải có quyết định trưng dụng theo đúng quy định. Về nguồn lực thì các địa phương phải sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn khác để phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, phải chi đúng quy định, hợp lý, khoa học.
Đối với Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cấp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải xem lại kịch bản phòng, chống dịch để rà soát lại cách phân công nhiệm vụ, bố trí, giao việc cho từng thành viên, đơn vị… để làm chủ tình hình, không rối, không mắc. Về nhân lực thực hiện nhiệm vụ thì phải thực hiện với tinh thần: Một người làm việc bằng 2, bằng 3 so với thời gian trước. Đối với lực lượng tuyến đầu cần đảm bảo làm việc luân phiên, đảm bảo khoa học, hợp lý vì cuộc chiến phòng, chống dịch còn kéo dài, căng thẳng. Bên cạnh đó là phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn phòng, chống dịch, ăn ở cho lực lượng này.
Tăng cường xử lý nghiêm sai phạm để có tính răn đe mạnh, để mọi người có nề nếp, đúng theo tinh thần phòng, chống dịch. Đồng thời, phải tuyên truyền để dân chưa biết phải làm cho dân biết, dân chưa nghe phải làm cho dân nghe. Các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 là làm quyết liệt ngay từ đầu.
Hồ Trâm