Nhà đầu tư bất động sản tạm thời “kìm cương”, chờ cơ hội trở lại thị trường
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có đến gần 1000 doanh nghiệp bất động sản đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc chấp nhận giải thể.
Mới đây, tại Hội thảo thường niên bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, trong 3 quý đầu năm 2020, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, khiến những khó khăn sẵn có của lĩnh vực này trong 3 năm gần nay càng thêm trầm trạng. Cả về nguồn cung dự án lẫn nguồn cung sản phẩm nhà ở đều bị sụt giảm nặng nề, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình giân, giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Ông Châu cho biết: "Có khoảng 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; Ngân sách Nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ bất động sản kể từ năm 2018 đến nay".
Đáng chú ý, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch những hiện giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn cao, giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết là giao dịch bán lại, bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê do nhiều người trở về quê nhà vì dịch COVID-19; giao dịch bất động sản giảm mạnh khiến các doanh nghiệp chật vật về thanh khoản.
Bên cạnh đó, phần đông người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập, thậm chí lâm vào cảnh thất nghiệp nên suy giảm khả năng mua nhà ở. Đại dịch cũng tác động lớn tới các phân khúc bất động sản khác như bất động sản du lịch, condotel, bất động sản cho thuê (cho thuê mặt bằng, trung tâm thương mại cho thuê, văn phòng cho thuê, cho thuê nhà ở),...
Dù vậy, ông Châu nhận định, kể từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu (tức thời điểm vàng) cũng như trong cả năm 2021, thị trường bất động sản sẽ theo đà phục hồi và dần tăng trưởng trở lại. Điều này xảy ra do cả nước cơ bản kiểm soát hiệu quả địch dịch COVID-19 và Nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách mới. Phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản logistics (hậu cần) liên tục đón nhận làn sóng đầu tư hàng tỷ đô, là điểm sáng của thị trường bất động sản trong quý 9 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa sẽ góp thêm vào nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, giúp thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và thị trường bất động sản cả nước nói chung phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn, nhanh hơn với những lực gia tốc mới.
Dù vậy, ông Châu cho rằng: "Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc".
HoREA kiến nghị tháo gỡ một số quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, tháo gỡ vướng mắc về quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố. Cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà, cho phép chủ đầu tư được khởi công xây dựng công trình, tiến hành thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án và đẩy nhanh các quy trình, thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở.
Linh Chi (t/h)