Nhiều địa phương chậm chạp trong kế hoạch đầu tư công

07:00 | 16/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay, 62 địa phương vẫn chưa nhập đầy đủ số liệu kế hoạch đầu tư công cho năm 2022, tuy nhiên nhiều địa phương thì đề xuất vốn đầu tư công cho năm 2022 còn vượt cả vốn trung hạn mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội.

Tính đến hết 31/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giảm so với cùng kỳ 2020 nhưng tương đồng với tỷ lệ giải ngân các năm 2016-2019 (41-43%).

Theo quy định hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tổng hợp, báo cáo danh mục và số liệu giao kế hoạch hàng năm cũng như báo cáo việc thực hiện, giải ngân dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công theo Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, nhiều địa phương không quan tâm đến tính pháp lý của việc này, dẫn tới số liệu nhập trên hệ thống thường xuyên sai lệch so với văn bản báo cáo, hay tùy tiện điều chỉnh khi chưa có quyết định… dẫn tới hệ thống tổng hợp không chính xác, ảnh hưởng tới công tác thẩm định đầu tư.

Tính đến thời điểm này, 62 địa phương vẫn chưa nhập đầy đủ số liệu kế hoạch đầu tư công cho năm 2022. Trong đó, liên quan tới thu hồi vốn ứng trước gồm Hải Dương, Bắc Giang; chưa bố trí đủ vốn để các dự án hoàn thành hay đã hoàn thành và bàn giao cho Bộ Xây dựng gồm Hà Giang, Sơn La, Lai Châu; chưa bố trí vốn, đủ vốn cho dự án đã quá thời gian bố trí vốn, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư gồm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định… Thậm chí, nhiều địa phương còn đề xuất vốn đầu tư công cho năm 2022 còn vượt cả vốn trung hạn mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội.

Nhiều địa phuơng chậm chạp trong việc lên thực hiện kế hoạch đầu tư công? Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng diễn ra mới đấy, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Đỗ Thành Trung cho biết, qua quá trình theo dõi kế hoạch đầu tư công năm 2021 và các năm trước tiến, độ giải ngân và các khó khăn gặp phải trong năm 2021 có nhiều yếu tố giống những năm trước, đặc biệt là 2019.

“Công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị xây dựng các dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Các cuộc khủng hoảng trước đây đầu tư công không bị ảnh hưởng. Năm 2021, đầu tư công bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 không chỉ ở một mà nhiều địa phương, cơ bản dừng từ trong khoảng cuối tháng 6 đến giờ”., ông Trung nhận định.

Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Luật Đầu tư công đã quy định, số liệu trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư có tính chất pháp lý, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương không quan tâm đến tính pháp lý này. Thông tin nhập trên Hệ thống khác với văn bản đã ban hành, tùy tiện điều chỉnh, nhập số liệu chưa có căn cứ pháp lý, dẫn đến Hệ thống tổng hợp nhưng văn bản thực tế lại khác. Không tuân thủ nguyên tắc tiêu chí định mức khi xây dựng. Trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, đến nay vốn địa phương nhập chưa đầy đủ, vùng ĐBSH không đề xuất vốn thu hồi vốn ứng trước, mà đây là một trong những mục tiêu đầu tiên phải thực hiện.

Cũng theo ông Trung nhiều địa phương chưa bố trí đủ vốn cho dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chưa bố trí đủ vốn cho dự án đã quá thời gian bố trí vốn, chưa bố trí đủ vốn cho dự án hoàn thành năm 2020 theo thời gian tại quyết định đầu tư, dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt nhưng không đề xuất bố trí kế hoạch 2022, đề xuất bố trí vốn 2022 vượt cả số vốn trung hạn Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội. Chất lượng của đơn vị lập kế hoạch chưa ổn. Do vậy, các sở Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm, nâng cao công tác lập kế hoạch là việc rất quan trọng cần được quan tâm thực hiện.

Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Mặc dù Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được ban hành ngày 28/7/2021 nhưng ngày 17/8/2021 đã trình kế hoạch cho Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một trong những yêu cầu trong Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là các bộ, ngành, địa phương phải giảm tối đa dự án để tập trung vào những dự án lớn, quan trọng. Nhiều địa phương đã có cố gắng giảm số lượng dự án, tập trung hơn, tránh dàn trải nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giảm hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt các dự án đã đáp ứng tiêu chí, còn những dự án khác thì đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Một số nội dung liên quan đến điều chuyển vốn, bổ sung vốn theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì yêu cầu, bộ, ngành, địa phương đối với số vốn phân bổ chi tiết giao đầu năm tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9, đạt dưới 60% thì sẽ thực hiện điều chuyển. Trong 2 năm trở lại đây, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ trong việc điều chuyển vốn, nhưng các bộ, ngành, địa phương chủ yếu xây dựng kế hoạch với nhu cầu rất cao, đề nghị bổ sung nguồn vốn trong nước, thiếu quan tâm giải pháp khả thi đẩy nhanh giải ngân vốn nước ngoài, nhiều đề nghị trả vốn nước ngoài, nhưng lại bổ sung vốn trong nước. Do vậy cần sự quan tâm đến cả hai nguồn vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ các nguyên tắc phân bổ. Quan trọng nâng cao chất lượng lập kế hoạch, bố trí thanh toán toàn bộ vốn nợ, thu hồi vốn ứng, bố trí đủ vốn cho dự án đã hoàn thành, bàn giao, không được phép kéo dài thời gian bố trí vốn.