Giải bài toán giữ chân dòng vốn FDI

15:48 | 06/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 tấn công vào nhiều địa phương đang thu hút dòng vốn FDI lớn ở nước ta như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương… làm dấy lên mối lo ngại về việc dòng vốn FDI sẽ có thể dịch chuyển khỏi Việt Nam.

Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đang có xu hướng giảm

Theo Báo cáo vừa được công bố về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước đó.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,12 tỷ USD, bằng gần 98% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.

Trả lời trên báo điện tử VTV, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó giảm chủ yếu ở mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%)… Tuy nhiên vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái).

“Đánh giá chung xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh. COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Trần Toàn Thắng nhận định về việc số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Cũng theo ông Thắng, nếu COVID-19 kéo dài hơn thì đương nhiên ảnh hưởng là dài hạn. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.

Đầu tháng trước, đài NHK đưa tin có hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc đưa nhân viên người Nhật và gia đình về nước để tiêm vaccine hoặc sơ tán, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh. Trong khi đó, điểm nóng COVID-19 ở Việt Nam là TP.HCM lại chính là địa bàn đầu tư, kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo ông ông Mizushima Kozo - Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản cho hay, rất nhiều thanh viên của Hiệp hội đã phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp dù có duy trì sản xuất được thì với tình trạng hoạt động trên quy tắc 3 tại chỗ thì chỉ sản xuất được 10 - 50% công suất vốn.

Còn bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam đánh giá, mô hình "3 tại chỗ" đã tỏ ra hữu ích như một cơ chế tạm thời nhưng không có tính bền vững để đảm bảo sức khoẻ an toàn, chi phí.

Để giữ chân nhà đầu tư FDI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việt Nam cần duy trì được xuất khẩu, để doanh nghiệp FDI có “đầu ra” thì và họ sẽ yên tâm ở lại với Việt Nam. Do đó trong lúc này, sự cam kết từ phía Chính phủ sẽ cho họ cảm thấy yên tâm. Các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI lúc này sẽ là cách để “giữ chân đại bàng”.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài chính cũng cho rằng, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương song bức tranh nền kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI. Do đó để duy trì đà thu hút vốn FDI, Việt Nam cần sớm kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Song song với đó, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư thì thời gian tới cần xác định những nhóm ngành, lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư có lợi thế.

Còn theo, TS MAJO GEORGE, ĐH RMIT Việt Nam, đến thời điểm này điều đáng mừng là dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và các công ty FDI đang nỗ lực hoạt động một cách kiên cường để duy trì việc sản xuất, dù bối cảnh dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ chân họ thì Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh.

Trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng ngay cho đa số người dân, công nhân và qua đó giúp người lao động trở về với gia đình một cách an toàn. Đồng thời, giáo dục và huấn luyện người dân, công nhân hiểu cần tiếp tục các biện pháp y tế an toàn để sẵn sàng sống và làm việc chung với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để Việt Nam tiếp tục là môi trường đầu tư thân thiện với doanh nghiệp FDI, Chính phủ nên thực hiện việc mở cửa thị trường từng bước có kiểm soát, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn bằng nhiều cách. Ví dụ như phê duyệt đầu tư nhanh hơn, giảm thuế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn bao gồm giao thông, điện, nước...

Môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng

Tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng nhiều chuyên gia ch rằng, đầu tư nước ngoài là câu chuyện dài hạn, xem xét mọi tiềm năng chứ không phải ngày một, ngày hai. Thực tế đã chứng minh, những năm gần đây, Việt Nam được nhận định là điểm đến đáng chú ý của dòng vốn FDI.

Đặc biệt là khi giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc, đứng vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút FDI từ các đối tác.

Nói như đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), điểm tựa vững chắc giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là Hiệp định EVFTA. Sau 1 năm thực thi, gần 2/3 thành viên EuroCham đã được hưởng lợi từ Hiệp định này, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu của Việt Nam sang EU 8 tháng năm 2021, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn hết, Việt Nam cũng không ngừng cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng về thể chế, chính sách. Đơn cử như mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu các bộ gấp rút sửa nhiều Luật, trong đó có những Luật rất sát sườn với doanh nghiệp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP)... Rõ ràng, việc khơi thông những điểm nghẽn về chính sách cũng là điểm sáng để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình sản xuất, lao động và công tác phòng chống dịch tại nhà máy của Samsung. Ảnh: Người lao động

Về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thống nhất và ổn định của chính sách pháp luật, còn một yếu tố khác quyết định giữ chân doanh nghiệp, đó là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhằm tạo ra mạng lưới cung ứng, ràng buộc giữa các bên.

Còn theo ông Trần Toàn Thắng,  hiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt có một số tích cực giúp giữ chân được doanh nghiệp FDI.

Thứ nhất các hiệp định FDI cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn… Thứ hai lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được cải thiện.

Song về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI đấy là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước.

“Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Trần Toàn Thắng đánh giá.

Mới đây, trong buổi thăm và và làm việc với lãnh đạo nhà máy Samsung tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI.

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của mọi chính sách. Các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung, là một thành tố của nhân dân. Chiến thắng dịch bệnh có đạt được hay không phụ thuộc vào đóng góp của nhân dân. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn Samsung đã và sẽ tiếp tục tin tưởng, tích cực hợp tác, đóng góp vào công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân cả về vật chất và tinh thần. Ông khẳng định, đây là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Việt Nam không hy sinh phúc lợi xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như vậy.