Nhiều ngân hàng 'co' bộ đệm dự phòng rủi ro

Diên Vỹ 14:49 | 09/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong top 10 ngân hàng TMCP trích lập dự phòng rủi ro cho vay lớn nhất toàn hệ thống tính đến 31/3/2023, đã có 6 ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro so với đầu năm.

Tín dụng khách hàng tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng TMCP (không có Agribank) đã công bố đến nay, tổng dư nợ cho vay khách hàng tại các ngân hàng này tính đến 31/3/2023 đã tăng lên 8,9 triệu tỷ đồng, tức tăng khoảng 4% so với đầu năm.

Trong đó, dẫn đầu BXH ngân hàng có dư nợ tín dụng cao nhất hệ thống quý I/2023 tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng có dư nợ lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,597 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Ở vị trí thứ 2, dư nợ cho vay của VietinBank hiện là 1,33 triệu tỷ đồng, cũng tăng 5% và ở vị trí thứ ba là Vietcombank với 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.

Tổng cộng, dư nợ tín dụng tại 10 ngân hàng dẫn đầu hệ thống đạt 7,07 triệu tỷ đồng, tức chiếm khoảng 80% dư nợ tín dụng của toàn bộ 28 ngân hàng TMCP đã công bố BCTC cho đến nay.

Có tới 9/10 ngân hàng trong top 10 ngân hàng TMCP dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất toàn hệ thống ghi nhận dư nợ tín dụng tăng so với đầu năm, chỉ có một ngân hàng ghi nhận giảm nhẹ là ACB.

 

Bộ đệm dự phòng rủi ro cho vay tại nhiều ngân hàng giảm so với đầu năm

 

Trong khi dư nợ tín dụng tiếp tục chiều hướng tăng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại nhiều ngân hàng trong quý I/2023 lại có xu hướng giảm.

Theo đó, có 9/10 ngân hàng trong top dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống cũng nằm trong BXH các ngân hàng trích lập dự phỏng rủi ro cho vay khách hàng lớn nhất. Riêng HDBank với trích lập dự phỏng rủi ro cho vay khách hàng 3.290 tỷ đồng đã lùi xuống vị trí thứ 11, xếp sau LienVietPostBank với 3.911 tỷ đồng trích lập.

Tương ứng với quy mô dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống, BIDV cũng là ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống với gần 42,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Ở vị trí thứ hai và thứ ba cũng là hai ngân hàng nhóm quốc doanh - Vietcombank và Vietinbank với mức dự phòng rủi ro 31,9 nghìn tỷ và 29,5 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và giảm gần 1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong top 10 ngân hàng TMCP trích lập dự phòng rủi ro cho vay lớn nhất toàn hệ thống tính đến 31/3/2023, đã có 6 ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro so với đầu năm bao gồm VietinBank (giảm 1%), VPBank (giảm 2,6%), MB Bank (giảm 2,4%), Sacombank (giảm 1,5%), ACB (giảm 3,8%) và LienVietPostBank (giảm 19,7%). Hầu hết các ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ riêng VPBank có tỷ lệ nợ xấu cao trong top đầu hệ thống (6,24% tính đến 31/3/2023).

 

 6/10 ngân hàng trong top trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất toàn hệ thống đã ghi nhận dự phòng rủi ro giảm so với đầu năm. Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.