Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản khu công nghiệp
Theo CBRE, với nhu cầu logistics ngày càng tăng do làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất trên thế giới sang Việt Nam ghi nhận một số hoạt động xây dựng tích cực trên các loại tài sản ở cả miền Bắc và miền Nam trong những tháng đầu năm 2022 như: khởi công của VSIP 3 - khu công nghiệp thứ 11 của VSIP tại Việt Nam được xây dựng tại tỉnh Bình Dương với diện tích 1.000 ha; khu công nghiệp DEEP C - giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II với quy mô 10,6 ha; JD Future Explore V Limited khởi công xây dựng Khu Logistics JD Property Hải Phòng 1 tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1) với diện tích đất 97.000 m2...
Đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tổng chiều dài 76,34 km. Theo kế hoạch, việc đầu tư và triển khai dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào nằm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ giữa tháng 6/2022. Với sự hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng, thị trường khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đón nhận nhu cầu tích cực trong thời gian tới.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - CBRE Việt Nam cho biết, các thị trường bất động sản khu công nghiệp cấp 1 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy khả quan ở mức từ 80% với khu vực phía Bắc và 90% ở khu vực phía Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong số đó, các tỉnh, thành phố chính ở khu vực phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng quy mô đất hơn 30.000 ha.
Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng tại các thành phố công nghiệp chính. Đối với một số khu công nghiệp tiêu biểu trong từng khu vực, giá thuê thậm chí có thể tăng 20% ở khu vực phía Bắc và khoảng 26% với khu vực phía Nam.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, về mặt quy định thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến chiến lược thu hút FDI của Việt Nam. Cùng đó, cũng có một số thay đổi được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp trong tương lai và tăng nguồn cung có chất lượng. Gần đây nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, Nghị định số 35 bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi theo quy định, các khu công nghiệp được xác định thành lập kể từ ngày được cấp có thẩm quyền. Nghị định thúc đẩy phát triển các loại hình khu công nghiệp mới và “đặc biệt ưu tiên” phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Do đó, CBRE cho rằng, sẽ tăng trưởng diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử. Với mỗi 1 tỷ USD doanh thu từ thương mại điện tử, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ cần thêm 92.903 m2 diện tích logistics. Trong 5 năm tới, dự kiến cần khoảng 160 - 200 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử trên toàn thế giới.
Việt Nam đang trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Ước tính cần hơn 2 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử vào năm 2025 trên cả nước.
Các khu công nghiệp mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng, nhất là những dự án có vị trí tốt hoặc lợi thế riêng. Nguồn cung đất công nghiệp và nhà kho, nhà xưởng sẽ tăng lên tại các khu vực được hỗ trợ... Do đó, khách thuê nên nắm bắt cơ hội mở rộng trong khi đàm phán với nhiều điều khoản tốt hơn. Phía chủ đầu tư cũng nên điều chỉnh chiến lược cho thuê phù hợp với từng vị trí - CBRE khuyến nghị.
CBRE dự báo, giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng theo khu vực và thị trường. Một xu hướng khác là nhà kho, nhà xưởng nhiều tầng sẽ được mở rộng ở các khu vực có nguồn cung đất công nghiệp hạn chế.