Nhiều yếu tố khiến giá dầu trồi sụt

Lê Thị Xuân Phương 17:34 | 02/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi xung đột Nga - Ukraine và lệnh trừng phạt của các nước phương Tây gây sức ép lên nguồn cung, đe dọa làm tăng giá dầu; một số dự báo lại cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay sẽ giảm góp phần hạ nhiệt giá.

Tại thời điểm 17 giờ ngày 2/6 (giờ Việt Nam, giá dầu Brent chuẩn quốc tế được nhìn thấy ở 113,6 USD/ thùng, giảm khoảng 2,67% so với đầu ngày. Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giảm 2,57% xuống 112,7 USD/ thùng.

Trước đó, trong phiên sáng nay, giá dầu Brent giao dịch ở mức 116,3 USD/thùng, tăng 0,69 USD, tương đương 0,6%. Giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 113,6 USD/thùng, giảm 1,67 USD, tương đương 1,45%.

Chỉ ít phiên trước đó, hôm 31/5, giá dầu thế giới đã chạm mức cao nhất trong hai tháng khi dầu WTI tiến sát 120 USD/ thùng còn dầu Brent được nhìn thấy ở vùng 124 USD/ thùng. Diễn biến đến trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thống nhất thông qua lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, gây áp lực lên nguồn cung. 

Theo thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU, châu Âu sẽ dần rời bỏ dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế trong 8 tháng. Lệnh cấm này sẽ áp dụng với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển vốn chiếm khoảng 2/3 lượng dầu nhập từ Nga vào châu Âu. Việc Đức và Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu qua đường ống Druzhba dự kiến sẽ đưa lượng dầu Nga bị EU cấm lên tới 90% vào cuối năm. Lệnh cấm này miễn trừ tạm thời nhập khẩu dầu Nga qua đường ống Druzhba như một sự nhượng bộ đối với Hungary và hai nước không giáp biển khác là Slovakia và Séc.

Cùng đó, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt ở Thượng Hải và một phần Bắc Kinh càng khiến thị trường kỳ vọng nhu cầu dầu được đẩy lên cao trong bối cảnh cung ngày càng eo hẹp. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã nới lỏng phần lớn biện pháp kiểm dịch vào ngày 1/6, các nhà máy sản xuất gần như đã trở lại hoạt động bình thường.

Thêm một yếu tố khác thúc đẩy giá dầu tăng hôm 31/5 là dự báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách tăng sản lượng chỉ 432.000 thùng dầu/ngày cho tháng 7 tại lần nhóm họp ngày 2/6, bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ và phương Tây về việc tăng sản lượng dầu để “hạ nhiệt” giá dầu.

OPEC+ đã bị chỉ trích thường xuyên vì không tăng sản lượng nhanh hơn để bình ổn thị trường năng lượng trong bối cảnh giá cả tăng vọt gần đây. Đáp lại, các quốc gia vùng Vịnh cho biết hầu hết các thành viên của khối không có thêm năng lực để đẩy mạnh sản lượng.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến OPEC+ không đồng ý tăng nhanh sản lượng là vì nhóm này gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay khoảng 200.000 thùng/ ngày, xuống mức 3,4 triệu thùng/ ngày. Đây là tháng thứ hai liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho cả năm.

Tương tự, Citigroup hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay xuống 2,2 triệu thùng/ ngày so với cùng kỳ năm ngoái do lo ngại suy thoái kinh tế. Chuyên gia Ed Morse (Citigroup) dự báo giá dầu có thể giảm về vùng 70 USD/ thùng vào cuối năm.

 

Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 2/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.