Nhịp rơi của phố Wall sẽ tiếp tục trong những tuần tới?

Phương Lê (theo CNBC) 16:21 | 26/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cổ phiếu giảm mạnh, lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh lên khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ.

Đợt bán tháo cổ phiếu hôm 23/9 diễn ra trên toàn cầu trong bối cảnh FED tăng lãi suất thêm 0,75% và các ngân hàng trung ương khác có động thái tương tự để chống lại xu hướng lạm phát trên toàn cầu. 

Chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên giao dịch hôm 23/9 giảm 1,7% về mức 3.693 điểm, sau khi tạm thời giảm xuống mức 3.647 điểm, thấp hơn đáy của tháng 6 là 3.666 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch hôm 23/9 đầy biến động ở mức 29.890 điểm, mất 486 điểm và là mức thấp mới trong năm.

Trong khi đó, các thị trường châu Âu giảm sâu hơn, cụ thể, chỉ số FTSE của Anh và DAX của Đức giảm khoảng 2% và CAC của Pháp giảm 2,3% trong phiên đóng cửa.

Dữ liệu PMI của châu Âu cho thấy sự sụt giảm về sản xuất và dịch vụ, cùng với cảnh báo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 22/9 rằng nước này đã rơi vào suy thoái, càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy tiêu cực. 

Chính phủ Anh cũng làm thị trường chấn động khi công bố kế hoạch cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để cứu nền kinh tế của mình. Động thái được cho là đi ngược lại nỗ lực cắt giảm lãi suất của BoE trong những ngày qua.

FED 'thừa nhận' rủi ro suy thoái, đà bán tháo sẽ tiếp tục trong những tuần tới?

Đầu tuần này, thị trường tài chính trở nên tiêu cực hơn sau khi FED tăng lãi suất lên 0,75% vào hôm 21/9 và dự kiến sẽ nâng nền lãi suất ciw bản lên mức 4,6% vào đầu năm 2023 từ mức hiện tại là 3%-3,25%.

“Lạm phát và lãi suất tăng không phải hiện tượng của riêng Hoa Kỳ. Đó là thách thức đối với các thị trường toàn cầu”, Michael Arone, chiến lược gia đầu tư chính tại State Street Global Advisors cho biết.

“Rõ ràng là nền kinh tế đang chậm lại nhưng lạm phát đang gia tăng và ngân hàng trung ương buộc phải giải quyết vấn đề này. Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang tăng lãi suất từ mức âm lên mức dương ngay vào thời điểm khủng hoảng năng lượng có khả năng xảy ra”. 

FED cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ mức 3,7% lên 4,4% trong năm tới. Chủ tịch FED Jerome Powell kiên định cảnh báo FED sẽ làm những gì có thể để dập tắt lạm phát.

Julian Emanuel, chuyên gia tại Evercore ISI cho biết: “Tin xấu là thị trường sẽ chứng kiến đợt bán tháo tiếp tục trong thời gian tới. Tin tốt là điều này cho thấy dấu hiệu thị trường gấu sẽ có điểm kết thúc, và việc này sẽ diễn ra vào tháng 9 và tháng 10”. 

Những lo lắng về suy thoái cũng ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, kim loại và sản phẩm nông nghiệp đều bị bán tháo trên diện rộng. Dầu kỳ hạn West Texas Intermediate giảm khoảng 6% xuống chỉ trên 78 USD / thùng, mức giá thấp nhất kể từ đầu tháng 1.

Những tín hiệu không mấy lạc quan với thị trường

Việc chính phủ Anh công bố kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng đã làm tăng thêm bất ổn về nợ của quốc gia đó và ảnh hưởng nặng nề đến đồng bảng Anh. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Anh có lợi suất 3,95% - cao hơn so với mức 1,71% ghi nhận vào đầu tháng Tám.

Trong khi đó tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm rời khỏi mức cao trước đó là 4,25% xuống mức 4,19% trong cùng phiên. Lợi suất trái phiếu thường biến động ngược chiều với giá cả.

Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết: “Trái phiếu châu Âu, dù giảm giá nhưng vẫn cho thấy xu hướng tăng”. Nhưng trái phiếu của Vương quốc Anh là “một thảm họa.” Các nhà đầu tư chứng khoán rõ ràng vẫn rất lo lắng và đồng USD tiếp tục duy trì quanh các mức cao.

Chỉ số USD, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đạt mức cao nhất 20 năm khi tăng 1,4% ở mức 112,96 điểm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đồng Euro ở mức 0,9696 USD đổi 1 Euro.

Chiến lược gia đầu tư Michael Arone cho biết các yếu tố khác cũng đang tác động đến đợt bán tháo diễn ra trên toàn cầu: “Chiến lược zero-Covid của Trung Quốc đã làm giảm tốc nền kinh tế... Họ đã chậm đưa ra chính sách tiền tệ dễ dàng hoặc chi tiêu tài khóa bổ sung vào thời điểm này."

Arone đề cập đến các vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu là tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao, các ngân hàng trung ương tham gia vào việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng bằng cách tăng lãi suất.  

Các nhà phân tích cũng nhận định việc FED dự báo kiên định với mức lãi suất cao đã đặc biệt gây xáo trộn thị trường. Mức nền lãi suất cơ bản khoảng 4,6% được cho là mức lãi suất mà FED hướng tới vào đầu năm sau, trước khi duy trì lãi suất cơ bản ở yên tại đó. Các chiến lược gia nhận thấy lãi suất sẽ duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát giảm rõ rệt.

Ông Arone cho biết: “Trước khi chúng ta có được bức tranh rõ ràng, trong đó, lãi suất giảm và lạm phát bắt đầu giảm, dự kiến ​​sẽ có nhiều biến động hơn... Thực tế rằng FED không biết họ sẽ đi đến đâu là điều không mấy dễ chịu với các nhà đầu tư."

So sánh với giai đoạn trước đó, nhà đầu tư kỳ cựu Peter Boockvar cho biết các động thái điều chỉnh thị trường đang thắt chặt bởi các ngân hàng trung ương đã duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong nhiều năm, kể từ trước khi đại dịch xảy ra. Ông cho biết lãi suất đã bị các ngân hàng trung ương toàn cầu kìm hãm ở mức dễ chịu với nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Thậm chí tại châu Âu, ECB đã điều tiết lãi suất âm, nhất là trong khủng hoảng đại dịch.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex, cho biết ông cho rằng thị trường đang bắt đầu dự báo mức lãi suất cuối kỳ cao hơn đối với FED, lên tới 5%. Dự báo về lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục đẩy giá đồng USD lên cao so với các loại tiền tệ khác.

Ông Chandler cho biết điểm mấu chốt là bất chấp những vấn đề của nước Mỹ, cùng việc FED cắt giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay xuống 0,2% và tình trạng hoạt động kinh tế trì trệ, chứng khoán Mỹ vẫn có vẻ là kênh đặt cược tốt hơn khi giới đầu tư xem xét các lựa chọn thay thế.