Nhu cầu tiền mặt cuối năm gây áp lực lớn lên ngân hàng trung ương Trung Quốc

Trịnh Huyền Trang 08:32 | 05/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Núi nợ đến hạn và sự nhảy vọt của nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm âm lịch sẽ thử thách thị trường tài chính của Trung Quốc trong tháng này, đặt áp lực đảm bảo thanh khoản lên ngân hàng trung ương.
Nhân dân tệ. (Ảnh: Reuters).

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức và ước tính của giới phân tích, nhu cầu thanh khoản có thể lên đến tổng cộng 4.500 tỷ nhân dân tệ (708 tỷ USD) trong tháng 1, cao hơn 18% so với năm ngoái. Nguyên nhân là sự gia tăng của các khoản vay chính sách đến hạn và nhu cầu tiền mặt để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.

Việc Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dữ trự bắt buộc của các ngân hàng vào đầu tháng 12 có thể giúp ích một phần nhưng một số nhà quan sát dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể nới lỏng lần nữa để tránh thanh khoản eo hẹp.

Ông Yishuang Li, nhà phân tích tại Cinda Securites cho biết: "Tháng 1 có hàng loạt yếu tố có thể gây rủi ro cho tình hình thanh khoản ổn định mà ngân hàng trung ương đã cam kết gìn giữ", bao gồm các khoản nộp thuế và sự đáo hạn của các khoản vay chính sách.

"Thị trường trái phiếu hiện ở trong tình trạng dễ bị tổn thương sau sự gia tăng đòn bẩy vào tháng 12. Điều này có nghĩa là các tổ chức tài chính sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào hỗ trợ thanh khoản từ PBoC".

Nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ là con dao hai lưỡi đối với PBoC. Tuy việc nới lỏng có thể xoa dịu lo ngại về chi phí tài trợ gia tăng và ngăn chặn thiếu hụt thanh khoản, nhưng lại có khả năng thổi phồng bong bóng tài sản mà Bắc Kinh muốn tránh.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019 và 2020, các quan chức đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm tiền vào hệ thống. Nhưng năm ngoái giới chức trách đã tránh bơm thêm tiền, làm dấy lên lo ngại về lập trường chính sách cứng rắn hơn và khiến chi phí tài trợ ngắn hạn tăng vọt.

Trong tháng 1 có khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng sẽ đáo hạn cùng với 500 tỷ tiền vay chính sách trung hạn và khoảng 700 tỷ nhân dân tệ hợp đồng repo nghịch đảo, theo tính toán của Bloomberg.

Thêm 700 tỷ nhân dân tệ nữa có thể bị rút khỏi hệ thống tài chính để chi tiêu cho quà cáp và du lịch trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán đầu tháng 2, chuyên gia cấp cao Zhaopeng Xing tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) cho biết.

ANZ ước tính cần đến khoảng 1.000 nhân dân tệ để đáp ứng nghĩa vụ thuế và các ngân hàng có thể mua ròng 300 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành trong tháng 1.

Doanh nghiệp bất động sản cần tiền để thanh toán trái phiếu

Đáng lưu ý, các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ cần ít nhất 189 tỷ USD để thanh toán trái phiếu phát hành trong nước, sản phẩm tài chính và trả lương cho hàng triệu lao động nhập cư, theo ước tính của Bloomberg và giới phân tích.

Khủng hoảng nợ của ngành bất động sản Trung Quốc đã khép lại cơ hội tái tài trợ trên thị trường trái phiếu quốc tế sơ cấp của hầu hết doanh nghiệp.

Tuy hầu hết các nhà phân tích dự kiến Trung Quốc sẽ phải cung cấp thêm hỗ trợ thanh khoản, ít người cho rằng PBoC sẽ đi xa đến mức cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần nữa hay hạ lãi suất chính sách. Nhà kinh tế Peiqian Liu của Natwest Group cho rằng khả năng cao nhất là PBoC sẽ vận đến công cụ ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh cung tiền.

PBoC có thể hạ lãi suất chính sách trong quý I để giúp giảm chi phí tài trợ cho doanh nghiệp. Ông Yewei Yang, chuyên gia lãi suất tại Guosheng Securities nhận xét điều này có thể giúp đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm xuống thấp đến mức 2,6%.

Ông Ming Ming, nhà nghiên cứu trưởng về chứng khoán thu nhập cố định tại Citic Securities dự kiến: "Nhu cầu thanh khoản sẽ bắt đầu đi lên từ giữa tháng 1. Nhưng PBoC sẽ sử dụng chính thận trọng để đảm bảo cung tiền mặt ổn định".