Những áp lực nào đang đặt trên tỷ giá cuối năm 2021?

Trịnh Huyền Trang 12:06 | 09/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính sách Fed, tác động từ cán cân thanh toán, dòng vốn ngoại,... sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá USD trong nước trong thời gian tới. Những biến động bất thường mới đây chỉ mang tính ngắn hạn.

Từ đầu tháng 12, tỷ giá USD trong nước đồng loạt tăng mạnh trên cả thị trường ngân hàng lẫn tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Mới đây nhất ngày trong hai ngày 6/12 và 7/12, NHNN đã tiến hành điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 38 đồng và 45 đồng và tiếp tục tăng trong ngày 8/12 trước khi điều chỉnh giảm vào ngày 9/12.

Đây là những con số điều chỉnh tỷ giá trung tâm cao nhất theo khảo sát của người viết trong hai năm trở lại đây. 

Dữ liệu từ Trading View cũng cho thấy tỷ giá USD/VND đã tạo một đường dốc thẳng đứng trong thời gian gần đây. Vậy biến động bất thường này liệu có ảnh hưởng mạnh tới thị trường và đâu là yếu tố tác động tạo áp lực lên tỷ giá USD vào cuối năm?

Tỷ giá USD/VND tính đến sáng ngày 9/12. (Ảnh: TradingView).

Tỷ giá biến động chỉ mang tính chất tạm thời

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong vài ngày qua chỉ mang tính chất tạm thời.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá đây chỉ là biến động trong ngắn hạn và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.

Mặt khác, nguồn cung USD trên thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì dồi dạo. Số liệu giải ngân FDI trong tháng 11 cho thấy tín hiệu khả quan khi đạt 1,95 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tính chung 11 tháng, giải ngân FDI đạt 17,1 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ từ mức giảm 4,1% trong 10 tháng đầu năm.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020. Với mức tăng này, Việt Nam có thể đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.

Về cán cân thương mại, theo dự báo của Bộ Công Thương, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ.

"Điều này sẽ giúp nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong tháng 12. Tỷ giá USD/VND nhờ đó duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ", theo SSI Research.

Một điểm quan trọng khác, vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề tỷ giá hối đoái.

Theo đánh  giá của Chứng khoán KB, đây sẽ là cơ sở để NHNN tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hài hòa và hợp lý, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Hiện tại, Việt Nam đang có xấp xỉ 105 tỷ USD dự trữ ngoại hối, gấp nhiều lần so với vài năm trước và cũng là mức cao kỷ lục. Nguồn dữ trữ này là cơ sở để NHNN sẵn sàng xoa dịu tỷ giá nếu có dấu hiệu căng thẳng.

Điều này được thể hiện trong động thái hôm 8/12, NHNN lại giảm mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 23.856 VND/USD xuống 23.150 VND/USD, trong khi giữ nguyên giá mua ở mức 22.650 VND/USD; tỷ giá trung tâm được công bố ở mức 23.123 VND/USD, tăng tiếp 27 đồng so với hôm trước đó.

Những áp lực nào đang đặt trên tỷ giá?

Một trong những diễn biến không thể không nhắc đến có sự tác động trực tiếp đến tỷ giá đồng bạc xanh là dấu hiệu về sự chuyển biến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Từ cuối tháng 11, Fed đã bắt đầu thực hiện cắt giảm các chương trình mua tài sản. Mặc dù chưa đưa ra một công bố chính thức, nhưng các thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đẩy sớm việc nâng lãi suất trong năm sau. Qua đó, đồng bạc xanh cũng có xu hướng tăng giá từ đó đến nay.

Mặc dù vậy, theo báo cáo mới công bố của HSBC, các chuyên gia nhận định việc Fed chuẩn bị điều chỉnh chính sách sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng đến nước khác, song tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng các ngân hàng trung ương châu Á sẽ thúc đẩy việc điều chỉnh lãi suất điều hành nhanh hơn so với trước đây, trong bối cảnh Fed chuẩn bị điều chỉnh chính sách.

Một trong những yếu tố khác ảnh hưởng tới tỷ giá trên thị trường là sự chênh lệch ngày càng tăng của giá vàng trong nước và quốc tế, điều này có thể dẫn đến nhu cầu nhập lậu vàng tăng lên. Tuy vậy, diễn biến đó sẽ tác động nhiều hợp đến giá USD trên thị trường tự do, không phải trên trị trường chính thức.

Mặt khác, lũy kế 11 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD, tương đối thấp so với mức 20,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước vừa mức 32,18 tỷ USD của năm 2019.

Theo lý giải của các cơ quan quản lý, xuất siêu hấp hơn cùng kỳ năm ngoái là do giá hàng hóa thế giới tăng cao nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng. Đồng thời, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh.

Bên cạnh đó, số liệu các năm trước cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, kéo theo đó là nhu cầu thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp.

Trong khi trước đó, để bổ sung thanh khoản đáp ứng cung tín dụng ra thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, NHNN đã mua vào lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của NHNN lên tới hơn 60.000 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán trong vài tháng trở lại. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho biết lý do bởi Việt Nam vẫn thuộc nhóm thị trường cận biên và "khái niệm đầu tư vào thị trường cận biên đang hao mòn".

"Dù đã tiến bộ rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn chưa được xếp vào nhóm thị trường mới nổi nên mất khả năng thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài", Chủ tịch Dragon Capital nói. Ngoài ra, trong thời COVID-19, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng có tư tưởng đem tiền về nhà.

Còn về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ khóa: #tỷ giá