Những tác động từ việc FED nâng lãi suất sẽ ngày càng rõ nét: Dòng vốn đầu tư thu hẹp, sức ép lớn lên tỷ giá

Phương Nga 20:25 | 17/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thận trọng trong việc đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động từ nhiều phía

Đánh giá tác động của sự kiện Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tới Việt Nam, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ông Trần Đức Anh cho biết khi FED tăng lãi suất, đặc biệt với mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản – mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ để đối phó với lạm phát, chắc chắn động thái này sẽ khiến mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế Mỹ sẽ tăng, kéo theo đó là sự sụt giảm về mặt tăng trưởng.

Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi nền kinh tế Mỹ bị suy yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó xuất nhập khẩu của Việt Nam là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Với nền kinh tế rất mở, tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP của Việt Nam năm 2021 rơi vào khoảng 180-190%. Từ đó có thể thấy hoạt động thương mại đóng góp chính vào sự tăng trưởng của Việt Nam, nếu hoạt động này chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

 Xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng từ thị trường Mỹ. (Ảnh: TTXVN).  

Bên cạnh đó, động thái này cũng có tác động đến vấn đề tỷ giá. Thông thường khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, sẽ kéo đồng USD tăng giá so với đồng tiền khác, trong khi VND đang neo theo USD. Do vậy nếu USD tăng mạnh sẽ xuất hiện áp lực phá giá ở trong nước. Qua đó ảnh hưởng đến những yếu tố cân đối vĩ mô khác như lãi suất, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài, …

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất trên. Theo ông Đức Anh, khi FED tăng lãi suất, một mặt đồng USD sẽ tăng lên. Mặt khác, khi rủi ro vĩ mô toàn cầu gia tăng thì dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng thu hẹp lại và rời bỏ tài sản mang tính chất rủi ro.

Mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là thị trường cận biên nên có tính rủi ro cao. Khi sự kiện trên xảy ra, dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán thường có xu hướng rút về, tức là tháo chạy khỏi thị trường mang tính rủi ro như của Việt Nam, chuyên gia nhận định.

Tương tự, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có xu hướng thận trọng hơn. Song Việt Nam với vị thế là điểm đến lý tưởng cho hoạt động mở rộng nhà máy của doanh nghiệp toàn cầu, khả năng sụt giảm mạnh FDI là khó xảy ra, tuy nhiên đà tăng trưởng dự báo chậm lại.

Đối với thị trường chứng khoán, chuyên gia cho rằng về tác động ngắn hạn, có thể nhìn thấy ngay là tác động về mặt tâm lý. Việc thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc phản ứng với việc FED tăng lãi suất và rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ, tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chuyển biến hết sức tiêu cực khi bị bán tháo trong phiên hôm nay (17/6).

Còn tác động dài hạn hơn cũng là tác động về mặt vĩ mô như đã đề cập. Dĩ nhiên nền tảng vĩ mô của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại vẫn tốt và là cơ sở để dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2022-2023, theo ông Đức Anh.

Tuy nhiên, nếu kịch bản FED nâng lãi suất quá mạnh khiến cho kinh tế Mỹ suy thoái thì chắc chắn sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Như vậy, kịch bản lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao và GDP tăng trưởng 6-7% sẽ cần phải đánh giá lại.

Trong trường hợp rủi ro suy thoái ngày càng rõ nét, Việt Nam càng cần thận trọng trong việc đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, kéo theo đó là triển vọng thị trường chứng khoán cũng sẽ kém tích cực hơn.

Mới đây, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng có báo cáo nhanh đánh giá về động thái của FED và các tác động chính đối với kinh tế Việt Nam.

Theo đó, việc FED tăng lãi suất hiện nay và tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện. Thứ nhất là hoạt động thương mại của Việt Nam có thể tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm tốc. 

Đồng thời, động thái trên cũng khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất của FED sẽ làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

 Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực. (Ảnh: Báo đầu tư).  

Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc FED tăng lãi suất?

Để để giảm thiểu những tác động tiêu cực do NHTW các nước, đặc biệt là FED, có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra ba kiến nghị.

Một là, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi 2022-2023; Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.

Đồng thời cần theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu FED tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu; Tiếp tục các biện pháp minh bạch thị trường tài chính, mang lại niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.

Hai là, cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá (nhất là các giai đoạn cao điểm) nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát và hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa".

Ba là, theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi FED tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.