Những trường hợp nào vẫn được về Hải Dương, Thái Bình ăn Tết mà không phải cách ly, xét nghiệm

16:17 | 03/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong khi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người dân lo ngại không được về quê ở các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình ăn Tết? Vậy những trường hợp nào?
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều khu vực đặc biệt tại miền Bắc bị phong tỏa. Trước tình hình này nhiều người hiểu sai về quy định cách ly, phòng chống dịch mà không dám về quê.
 

Không ở nơi có dịch không phải cách ly xét nghiệm

 
Dân Trí dẫn lời ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, những người không ở vùng bị phong tỏa, bị cách ly y tế do dịch COVID-19 thì vẫn được về Hải Dương ăn Tết. Riêng đối với các khu vực mà tỉnh Hải Dương đang triển khai phong tỏa, giãn cách xã hội như TP Chí Linh và một số khu vực có ca bệnh khác thì không được vào.

Ngay cả khi vẫn được trở về, nhiều người lại lo ngại không thể ra khỏi địa phương sau Tết hoặc khi đi đến tỉnh khác phải cách ly 21 ngày. Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, những trường hợp từ nơi có dịch (ví dụ TP Chí Linh) khi lên Hà Nội hoặc tới tỉnh khác sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà. Đối với người từ các khu vực khác không có dịch ở tỉnh Hải Dương thì không phải lấy mẫu xét nghiệm, không phải cách ly. "Việc này áp dụng đối với nhiều địa phương như Quảng Ninh, chứ không riêng gì Hải Dương", ông Hạnh nhấn mạnh.
 
Khi nào về Hải Dương, Thái Bình ăn Tết không phải cách ly
Lực lượng chức năng phong tỏa nghiêm ngạt cửa ngõ ra vào TP. Chí Linh, Hải Dương

Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân nếu có về quê ăn Tết thì nên đi xe riêng, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Hạn chế tối đa di chuyển.

Hiện tỉnh Hải Dương đã thực hiện phong tỏa, cách ly các khu vực để phòng, chống dịch COVID-19, gồm: TP Chí Linh (21 ngày, từ 28/1); huyện Nam Sách phong tỏa xã Nam Tân và xã Đồng Lạc (21 ngày, từ 31/1); huyện Kim Thành phong tỏa xã Ngũ Phúc, xã Kim Liên, xã Tuấn Việt và thị trấn Phú Thái (21 ngày, từ 29/1); thị xã Kinh Môn phong tỏa phường Long Xuyên, phường Thái Thịnh, phường An Phụ, phường Hiệp Sơn, phường Phú Thứ, phường An Sinh, phường Hiệp An, phường Phạm Thái, xã Bạch Đằng, xã Lê Ninh, xã Quang Thành, xã Thượng Quân (21 ngày, từ 30/1). TP Hải Dương phong tỏa phường Thạch Khôi, phường Trần Phú (21 ngày, từ 1/2); huyện Ninh Giang phong tỏa xã Vĩnh Hòa (21 ngày, từ 1/2); huyện Cẩm Giàng phong tỏa thị trấn Lai Cách (21 ngày, từ 1/2).
 

Về Thái Bình chỉ phải khai báo y tế

 
Trước đó, nhiều người dân hiểu sai về quy định phòng chống dịch của tỉnh Thái Bình. Trả lời Thanh niên, ông Hà Tiến Thăng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, cho biết người dân khi tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của chính quyền địa phương cần hiểu đúng, đủ và tuyệt đối, không chia sẻ nội dung chỉ đạo cùng với cách hiểu chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.

“Vùng dịch (theo cập nhật của Bộ Y tế) nghĩa là những nơi mà dịch bùng phát nhanh, tạo thành ổ dịch. Ví dụ người ra từ một thôn, làng hay xã, phường, thành phố, thị xã đang bị phong toả vì có nhiều ca nhiễm COVID-19 lây lan trong cộng đồng, thì khi về Thái Bình mới phải đi cách ly tập trung, hoặc là quay đầu xe. Còn người dân từ các địa phương không ở trong vùng dịch khi về quê thì chỉ cần khai báo y tế, lịch trình di chuyển”, ông Hà Tiến Thăng giải thích.
 
 
Hà Ly