NSNN tháng 3: Thu tăng hơn chi
Thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng so với tháng 2; luỹ kế thu quý I đạt 315,4 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018.
Thu từ dầu thô: Thực hiện tháng 3 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ đồng so với tháng 2; luỹ kế thu quý I đạt 12,28 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Thực hiện tháng 3 ước đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng so với tháng 2. Lũy kế thu quý I đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27,8 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN đạt khoảng 53 nghìn tỷ đồng, bằng 28% dự toán năm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Về tổng chi NSNN, tháng 3 ước đạt 120,38 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi quý I đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán năm , tăng 32,4%; chi trả nợ lãi đạt 30,76 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán năm, giảm 3,6%; chi thường xuyên đạt gần 237,2 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 3 và quý I được đảm bảo chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.
Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn, Bộ Tài chính thông báo: Do nhu cầu chi quý I thấp, nên cân đối NSNN về tổng thể có thặng dư (thu lớn hơn chi). Để định hướng sự phát triển của thị trường và chủ yếu để cơ cấu lại nợ công về kỳ hạn nợ và lãi suất huy động, trong quý I, Bộ Tài chính thực hiện phát hành 69,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (chưa bao gồm 7 nghìn tỷ đồng phát hành nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội) với kỳ hạn bình quân là 12,35 năm, lãi suất bình quân là 4,91%/năm.
Trong công tác quản lý, điều hành NSNN, đối với thu nội địa, cơ quan Thuế đã tập trung triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN.
Đối với ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Tổng cục Hải Quan đã ban hành và quán triệt tới cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 723/CT-TCHQ ngày 30/01/2019 về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2019. Ban hành công văn số 981/TCHQ-TXNK ngày 20/02/2019 gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu đánh giá thu NSNN năm 2018 và triển khai công tác thu NSNN năm 2019.
Tính đến 15/3/2019, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 164.643 tỷ đồng, đạt 15,8% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện ước khoảng 890 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 3,1 tỷ đồng.
Về thực hiện vốn đầu tư XDCB: Đến hết tháng 02/2019 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; đồng thời, do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, nên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn quý I đạt thấp (đạt khoảng 11% dự toán, cùng kỳ năm 2018 đạt 8,8% dự toán
Trong quý II năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính là tổ chức điều hành ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; trình cấp có thẩm quyền: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2018 (tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019); báo cáo tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018; xây dựng Báo cáo tình hình sử dụng dự phòng NSTW quý I/2019; trình Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2018, tình hình triển khai dự toán NSNN năm 2019 của các bộ, cơ quan Trung ương; báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2019...
Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện Đề cương chi tiết đánh giá Chiến lược tài chính-NSNN 10 năm 2011-2020; xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và kế hoạch kế hoạch tài chính – NSNN 5 năm 2021-2025...
Hỗ trợ, hướng dẫn KBNN các địa phương rà soát chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu NSNN năm 2018, chuyển nguồn NSNN năm 2018 sang năm 2019; phối hợp với các đơn vị thuộc KBNN, các đơn vị thuộc Bộ rà soát, đối chiếu, điều chỉnh số liệu thu, chi NSNN, chuyển nguồn năm 2017 phục vụ công tác tổng hợp số liệu quyết toán NSNN năm 2017.
Đồng thời, hoàn thiện Báo cáo quyết toán NSNN 2017 để gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN. Triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo phương án điều hành ngân quỹ nhà nước quý II/2019; thực hiện các biện pháp để bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ. Thông báo kế hoạch huy động vốn quý II/2019 ra thị trường.
Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu tăng thu; tăng cường đôn đốc công tác quản lý nợ thuế, thu hồi theo đơn vị và thực hiện kiểm tra công tác quản lý nợ thuế tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.