Ổ dịch tại Hải Dương lớn nhất từ trước tới nay, cả nước nỗ lực dập dịch trong 10 ngày
Đến nay Hải Dương đã ghi nhận 83 ca nhiễm COVID-19 (11 trường hợp chưa công bố). Đây là số ca kỷ lục tại một ổ dịch được ghi nhận kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam.
Chiều 28/1, tại hội nghị "Hướng dẫn triển khai phần mềm quản lý người nhập cảnh trong phòng, chống dịch COVID-19", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Sau khi phân tích, cơ quan chức năng phát hiện chủng mới lây lan rất nhanh. Ở Chí Linh, Hải Dương, virus có thể tồn tại trong cộng đồng tối thiểu 10 ngày. Tuy nhiên, do chủng virus này lây hơn nhiều, có thể 3 ngày hết 1 vòng lây nhiễm, dự kiến đã xảy ra 4 vòng lây nhiễm ở địa phương này.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị "Hướng dẫn triển khai phần mềm quản lý người nhập cảnh trong phòng, chống dịch Covid-19". Ảnh: Phạm Thắng.
Trao đổi với báo chí tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nơi tổ chức Đại hội Đảng XIII, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tình hình dịch đang căng thẳng. "Đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ trước đến nay", ông Khuê cho hay.
Về mặt chuyên môn, ông Khuê cho biết các ca bệnh liên quan đến chủng mới nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4 ngày thì bây giờ nhanh hơn, chỉ 2-3 ngày, tốc độ lây lan cũng nhanh hơn.
Ví dụ như ở khu công nhiệp ở Hải Dương, trong thời gian ngắn nhưng tốc độ lây lan rất nhanh. Đây cũng là đặc điểm cơ chế lây lan của chủng virus mới từ Anh.
Từ thực tế đó, ông Khuê khẳng định phải sử dụng tất cả biện pháp theo định hướng "nâng lên một mức", thực hiện nghiêm chiến lược, sách lược, phân vùng, cách ly, dập dịch, điều trị và xét nghiệm.
Liên quan tới nguồn lây ổ dịch mới, ông Khuê nói thêm vì mới phát hiện đêm qua nên chưa có nghiên cứu chính xác, chỉ có thể khẳng định các ca bệnh chưa xác định được F0, tốc độ lây lan rất nhanh.
Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 có thể xuất hiện ở Hải Dương cách đây 13-14 ngày. "Do thời gian xuất hiện từ ngày 14-15/1, khả năng nguồn bệnh vẫn ở trong khu vực tại Chí Linh, Hải Dương, và các vùng lân cận", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: "Chúng tôi xác định đây là một trong những nguồn bệnh từ một công ty có khả năng lây lan rất lớn. Khả năng lây lan ra cộng đồng rất phức tạp".
Cơ quan chức năng đã khoanh vùng toàn bộ Công ty TNHH POYUN, nơi phát hiện ca bệnh, và đề nghị phong tỏa khu vực phường Cộng Hòa. Toàn bộ 2.340 công nhân làm việc tại công ty này đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu tại các nhà máy khác ở vùng lân cận, người dân khu vực bệnh nhân sinh sống và phường Cộng Hòa. Do xét nghiệm trên diện rộng, ông Long dự kiến tổng số mẫu xét nghiệm có thể lên tới hàng chục nghìn.
Hiện tại, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có những kịch bản cụ thể, sẵn sàng mức cao nhất khi có hàng nghìn người nhiễm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Ở Đà Nẵng, chúng ta mất 23 ngày để dập dịch. Giờ đây, con virus này dù nhanh hơn, chúng ta phải nhanh hơn nó, cố gắng 10 ngày sẽ dập tắt. Từ hôm qua đến nay, các địa phương đang chạy đua với thời gian".
Trước đó, Bộ Y tế điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y tế Công cộng và Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm ngay trong sáng 28/1.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử cán bộ và sinh viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh cần tùy tình hình địa bàn để chủ động quyết định các khu cách ly, phong tỏa. “Chắc chắn phong tỏa là bất tiện vô cùng, nhưng nếu chúng ta có thể kiểm soát được tốt thì có thể quay lại bình thường được. Nếu không kiên quyết từ đầu, ngại khó, ngại khổ thì sẽ không lường được hậu quả”, ông Đam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, điều quan trọng mà Hải Dương và các tỉnh cần thực hiện lúc này là giữ an toàn cho bệnh viện. Đây là nơi các ca bệnh có dấu hiệu sẽ vào. Nhân viên y tế, bệnh viện phải nâng mức cảnh giác cao hơn trước.
Vì vậy, Phó thủ tướng cho rằng: "Chủng này lây rất nhanh. Do đó phải giữ chặt hệ thống y tế và bệnh nhân nền. Tuyệt đối không để như Đà Nẵng".
Xem thêm: Chỉ thị số 05 của Thủ tướng: Phong tỏa TP Chí Linh và dừng hoạt động sân bay Vân Đồn tới mùng 6 Tết
Hà Ly