Ông chủ của doanh nghiệp xin nhập khẩu 15 triệu liều vaccine Pfizer là ai?

16:45 | 27/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
DonaCoop là một doanh nghiệp làm trong lĩnh vực bất động sản, quy mô nhân sự không quá lớn nhưng đã thoả thuận được với Pfizer mua được 15 triệu liều vaccine và được hứa hẹn giao ngay trong tháng 9.

Ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer.

Văn bản cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quán triệt thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine, tổ chức tiêm miễn phí cho người dân.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer.

Ông chủ của doanh nghiệp xin nhập khẩu 15 triệu liều vaccine Pfizer là ai? - ảnh 1

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Donacoop cho hay đã đàm phán với Hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất về giá mua. Cụ thể, Donacoop đặt mua 15 triệu liều vaccine Pfizer và bên bán cam kết giao làm 2 đợt, chậm nhất là giữa tháng 9/2021.

Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị tạo điều kiện, cấp phép cho doanh nghiệp này nhập khẩu vaccine trên về sân bay Tân Sơn Nhất và đưa về kho bảo quản. Đồng thời cho phép Công ty Donacoop bán cho các tỉnh, thành có đơn đặt hàng với công ty để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng ưu tiên tiêm chủng.

Hiện nay Đồng Nai đang là một trong 4 tỉnh, thành có nguy cơ cao nhất về dịch COVID-19. Đến ngày 25/8/2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 19,7 nghìn ca dương tính với COVID-19, trong đó có hơn 8,1 nghìn ca đã bình phục và gần 12 nghìn ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Hiện Đồng Nai vẫn đảm bảo cho công tác điều trị các ca nhiễm bệnh và cách ly các trường hợp F1.

Trong khi đó, Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước nên tỉnh phải cùng lúc làm tốt 2 nhiệm vụ là vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Thông tin từ UBDN Đồng Nai cho biết, tỉnh có hơn 1.100 doanh nghiệp trong khu công nghiệp duy trì được sản xuất, nhưng số lao động lưu trú tại công ty và tham gia sản xuất chỉ gần 135 nghìn người. Số lao động còn lại đang nghỉ việc hơn 475 nghìnn người, tình hình dịch bệnh kéo dài nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả cho người lao động nên đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, toàn tỉnh có khoảng 2,2 triệu người ở độ tuổi cần tiêm vaccine phòng COVID-19 để hạn chế lây lan dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội. Thế nhưng, đến nay tỉnh mới được phân bổ khoảng 800 ngàn liều vaccine, trong đó trên 210 ngàn liều được tiêm cho lao động trong các doanh nghiệp, còn lại là tiêm cho đối tượng chính sách, người già, người tuyến đầu chống dịch. Như vậy tỉnh còn cần khoảng 3,6 triệu liều vaccine nữa mới đủ tiêm cho người dân.

 Ông chủ của doanh nghiệp xin nhập khẩu 15 triệu liều vaccine Pfizer là ai? - ảnh 2

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Donacoop.

Theo thông  tin từ đại diện Donacoop cho biết, Donacoop chỉ đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ cho đơn vị trong 10 ngày có thể nhập số vaccine trên về Việt Nam.

Hiện Donacoop đã có sẵn kho, tủ bảo quản và đến đầu tháng 9/2021 khi lượng vaccine trên được nhập về, đơn vị sẽ phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.

Việc Donacoop nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer là thực hiện theo chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21 của Chính phủ khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Theo Donacoop, việc nhập, phân phối lại vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer theo đơn đặt hàng của các địa phương bị phong tỏa, nhằm sớm miễn dịch cộng đồng, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trở lại bình thường. Thông qua đó, Donacoop mong muốn chia sẻ một phần với Chính phủ và các địa phương trong công cuộc chống dịch đầy cam go như hiện nay.

Tiềm lực của công ty Donacoop mạnh cỡ nào?

Theo tìm hiểu, Donacoop, có tên đầy đủ là Liên hiệp HTX dịch vụ – nông nghiệp – tổng hợp Đồng Nai được thành lập ngày 20/10/2005 từ việc liên kết 9 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh,  với mục tiêu liên kết cùng hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đô thị và dịch vụ nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tổng giám đốc của Donacoop là ông Bùi Thanh Trúc.

Lúc mới thành lập, doanh nghiệp này hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề và chủ yếu là nông nghiệp, nhưng sau đó chuyển dịch qua phát triển chủ yếu ngành bất động sản bằng việc làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, Dự án Long Thành Plaza, Dự án đầu tư khai thác đất đá tại mỏ đá Tân Cang 6, Dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước…

Ông chủ của doanh nghiệp xin nhập khẩu 15 triệu liều vaccine Pfizer là ai? - ảnh 3

Năm 2008 DonaCoop đã hợp tác với Tập đoàn Keppel Land (một tập đoàn hàng đầu của Singapore về bất động sản) và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront với số vốn đăng ký ban đầu lên tới 750 triệu USD. Ngoài ra, DonaCoop cùng với VinaCapital và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển bất động sản AquaCity với số vốn ban đầu là 550 triệu USD. Các dự án này, phía nước ngoài góp 50% vốn, DonaCoop 30% và An Phú Long 20% vốn.

Bên cạnh đó, DonaCoop cũng triển khai các dự án có quy mô lớn khác như Long Thành Plaza – dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ tại thị trấn Long Thành có quy mô 21 tầng, diện tích sàn xây dựng 110.000m2; Dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước quy mô 45 ha; Dự án đầu tư khu sản xuất vật liệu gạch ngói không nung bằng nguyên liệu đá phong hóa tại xã Phước Tân với quy mô 9 ha.

10 năm kể từ khi thành lập, DonaCoop đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 280 lao động với mức lương từ 5-12 triệu đồng; DonaCoop cũng đã tạo công ăn việc làm gián tiếp cho hơn 1.000 lao động qua các dự án. Qua hoạt động, DonaCoop đã nộp ngân sách Nhà nước số tiền 584 tỷ đồng; nguồn vốn của đơn vị cũng đã tăng từ 100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng....

Một trong những dự án đáng chú ý được Donacoop triển khai là, dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng theo quy hoạch có quy mô diện tích hơn 1.000ha, gồm 899,35ha phần đất liền, được chia thành 3 dự án thành phần, tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng, do Donacoop và hai liên doanh khác thực hiện.

Theo thông tin trên Báo Dân Việt, dự án này được Donacoop lên kế hoạch triển khai từ năm 2008 nhưng sau 13 năm vẫn còn gần 1.700 hộ dân trong diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 2). Người dân bức xúc gửi đơn khắp nơi vì bị cưỡng chế thu hồi đất để làm dự án với giá đền bù rẻ mạt.

Báo Sài Gòn giải phóng dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, để thực hiện khu đô thị Long Hưng thì các dự án cần một nguồn vốn khổng lồ lên đến 24.931 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Khu dân cư Long Hưng quy mô 227,7ha do DonaCoop trực tiếp làm chủ đầu tư đã cần một nguồn vốn lên đến 4.631 tỷ đồng. 

Mỹ Tịch

Xem thêm: Đợt vaccine AstraZeneca lớn nhất với hơn 1,4 triệu liều đã chuyển về TP.HCM