Ông Danny Le: CEO 8x đầu tiên của một doanh nghiệp tỷ USD, tham vọng trở thành kỳ lân thế giới

16:15 | 01/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bản lĩnh và vai trò của một Tổng giám đốc doanh nghiệp tỷ USD không bị hạn chế bởi vì tuổi trẻ, ông Danny Le chính là minh chứng cho điều đó.

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan là ai?

Kể từ ngày 19 tháng 06 năm 2020, ông Danny Le chính thức được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc Masan Group nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025 bởi Hội đồng Quản trị Masan Group.

Được biết, ông Danny Le sinh ngày 13 tháng 07 năm 1984 và có bằng cử nhân tại Đại học Bowdoin, Mỹ. Bắt đầu từ năm 2010, ông Danny Le đã gia nhập Masan Group vào năm 2010 và được đảm nhiệm vị trí giám đốc chiến lược và phát triển của tập đoàn này từ đó tới nay.

Trước đó, khi chưa gắn bó với Masan Group, ông Danny Le làm việc tại bộ phận Ngân hàng Đầu tư tại Morgan Stanley với vị trí là chuyên viên phân tích từ năm 2006 tới 2010. Trong thời gian làm việc tại đây, ông có cơ hội tham gia vào nhiều thương vụ M&A và các giao dịch trên thị trường vốn cho nhiều khách hàng trên toàn cầu.

Ông Danny Le: CEO 8x đầu tiên của một doanh nghiệp tỷ USD, tham vọng trở thành kỳ lân thế giới - ảnh 1

Chân dung ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Sau khi đồng hành cùng Masan Group, ông Danny Le được giao phó nhiều trọng trách quan trọng, đặc biệt là trong việc trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A tạo dựng nền tảng chiến lược của tập đoàn, cũng như xây dựng chiến lược tăng trưởng của Masan Group.

Ngoài vị trí Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Danny Le còn là Chủ tịch của 2 công ty thành viên quan trọng khác bao gồm Masan MeatLife và Masan Resources, đồng thời là Phó Chủ tịch của Masan Nutri-Science, thành viên HĐQT của Masan Consumer Holdings và Masan Brewery, chủ tịch HĐQT của Masan Blue. Trước đó, tại Masan Nutri-Science, ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Về tài sản, ông Danny Le hiện đang sở hữu 1,942,500 cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan, tính đến ngày 30/06/2020, có giá trị lên tới 190.4 tỷ VNĐ. Ngoài ra, ông cũng sở hữu 140,203 cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, tính đến ngày 23/08/2019, có giá trị lên tới  14,7 tỷ VNĐ. Như vậy, tổng cộng tài sản trực tiếp của ông Danny Le là 205.1 tỷ VNĐ.

Ngoài ra, ông còn là đại diện cho MSN sở hữu 257,248,169 cổ phiếu MML của Công ty Cổ phần Masan MEATLife, chiếm tỷ lệ 78.74%, tính đến tháng 12/2019, có giá trị lên tới 13,891.4 tỷ VNĐ.

Vợ của ông là bà Nguyễn Thị Mỹ Anh cũng sở hữu 1,500,000 cổ phiếu MML của Công ty Cổ phần Masan MEATLife tính đến tháng 12/2019, có giá trị lên tới 81 tỷ VNĐ.

*Giá trị cổ phiếu được cập nhật tại ngày 27/04/2021.

Ông Danny Le: CEO 8x đầu tiên của một doanh nghiệp tỷ USD, tham vọng trở thành kỳ lân thế giới - ảnh 2 

Ông Danny Le phát biểu trong một sự kiện của tập đoàn Masan

Con đường sự nghiệp của Tổng giám đốc Masan

Từ 2006 đến 2010: Chuyên viên phân tích, Bộ phận Ngàn hàng Đầu tư (Analyst, Investment Banking Division) - Morgan Stanley

Từ 2010 đến nay: Giám đốc Chiến Lược và Phát Triển (Head of Strategy & Development) - Masan Group

Từ 7/2013 đến nay: Thành viên Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc

Từ 4/2015 đến nay: Thành viên Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế

Từ 01/2016 đến nay: Thành viên Hội đồng Thành viên - Công ty TNHH MasanConsumerHoldings

Từ 01/2016 đến nay: Thành viên Hội đồng Thành viên - Công ty TNHH Masan Brewery

Từ 03/2016 đến 01/2018: Thành viên Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Masan MEATLife

Từ 01/2018 đến nay: Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Masan MEATLife

Từ 04/2018 đến nay: Thành viên Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan

Từ 04/2019 đến nay: Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Tài nguyên Masan

Từ 23/8/2019 đến nay: Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty cổ phần Masan Blue

Từ 19/6/2020 đến nay: Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN)

Ông Danny Le: “Cánh tay phải” đáng tin cậy của chủ tịch Nguyễn Đăng Quang

Từ ngày đầu gia nhập Masan Group tới nay, ông Danny Le luôn được giao phó những trọng trách quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng chiến lược để tăng trưởng cũng các hoạt động mua bán và sáp nhập của Masan Group. Qua đó, vị CEO 8x đóng góp một phần không hề nhỏ vào quá trình  tạo dựng nền tảng chiến lược cho tập đoàn.

Không quá khi nói rằng ông Danny Le được xem là kiến trúc sư trưởng chuyên xây dựng các thương vụ M&A trọng điểm của Masan. Trong việc sáp nhập Masan Nutri-Science vào Masan, ông chính là người dẫn dắt chính. 

Ông Danny Le: CEO 8x đầu tiên của một doanh nghiệp tỷ USD, tham vọng trở thành kỳ lân thế giới - ảnh 3

Ông Danny Le là vị tổng giám đốc đầu tiên ở độ tuổi 8x được giao phó trọng trách này tại một doanh nghiệp được định giá tỷ USD

Ngoài ra, trong việc thiết lập nền tảng 3F (Feed-Farm-Food) tại Masan Nutri-Science và chuyển đổi Masan Consumer từ một công ty thuần thực phẩm thành một công ty thực phẩm và đồ uống đa dạng, dẫn đầu thị trường, ông Danny Le cũng có vai trò quan trọng, luôn tạo ra động lực thúc đẩy.

Theo đó, Masan đã tạo dựng và thiết lập được các mối quan hệ chiến lược của Masan Group với hàng loạt đối tác lớn như Quỹ KKR đầu tư 150 triệu USD vào Masan Nutri-Science, 100 triệu USD vào Masan Group và thương vụ đầu tư và thoái vốn thành công trị giá 359 triệu USD của KKR vào Masan Consumer; thương vụ Singha đầu tư 1,1 tỉ USD vào Masan Consumer Holdings và Masan Brewery.

Có thể nói, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group luôn tín nhiệm khi giao phó trách nhiệm to lớn trong công cuộc phát triển tập đoàn vào tay ông Danny Le. 

Trong một buổi phỏng vấn, ông Quang từng nói rằng: "Chúng ta thường dùng từ 'bọn trẻ' để nói về họ. Nhưng chúng ta đã từng còn trẻ hơn họ khi bắt đầu hành trình này rất nhiều năm trước." Với ông chủ Masan, tuổi trẻ không phải là vấn đề trong việc điều hành Masan của ông Danny Le.

Và để tương xứng với niềm tin ấy, trong phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị mới, tân Tổng giám đốc Masan Group Danny Le cũng đã mạnh dạn bày tỏ tham vọng muốn đưa Tập đoàn Masan trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được thế giới công nhận là "kỳ lân ngành tiêu dùng". Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng mình ông, mà còn là nhiệm vụ cốt lõi của cả tập thể, của mỗi một cá nhân tại Masan. Có như vậy, Masan mới có thể nhanh chóng vươn tầm thế giới.

Nhìn nhận trong toàn bộ “câu lạc bộ tỷ USD” bao gồm những doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD (hơn 23.300 tỷ đồng) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Danny Le là doanh nhân 8x đầu tiên ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc thuộc ban lãnh đạo cấp cao. Hiện nay, vốn hóa của Masan Group hiện đạt 66.600 tỷ đồng, tương đương 2,9 tỷ USD.

Masan Group trong thời kỳ lãnh đạo của vị CEO 8x

Hiện nay, Masan Group đang là tập đoàn phát triển ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, trong đó bao gồm thực phẩm và đồ uống đóng gói, thực phẩm và thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình và dịch vụ tài chính, kết hợp với hoạt động của công ty liên kết là ngân hàng Techcombank.

Trên thị trường Việt Nam, các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn Masan chiếm tới 22% chi tiêu của người tiêu dùng. Cụ thể như sau: thực phẩm và đồ uống đóng gói chiếm 13%,  thực phẩm và thịt tươi sống chiếm 14%, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình chiếm 2%, dịch vụ tài chính chiếm 22%.

Ông Danny Le: CEO 8x đầu tiên của một doanh nghiệp tỷ USD, tham vọng trở thành kỳ lân thế giới - ảnh 4

Ông Danny Le mang khát vọng đưa tập đoàn Masan nâng lên tầm cỡ thế giới, được đứng vào hàng ngũ kỳ lân trong ngành tiêu dùng

Sau thương vụ mua lại VinCommerce đình đám vào năm 2019, như vậy, tập đoàn Masan đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bán lẻ khi trở thành đơn vị sở hữu và điều hành 132 siêu thị VinMart và 2.900 siêu thị mini VinMart+.

Trong thời kỳ lãnh đạo của vị Tổng giám đốc Danny Le, Masan Group đã vượt qua được những khó khăn ban đầu do sự bùng phát dịch bệnh do virus corona (Covid-19) và việc giá dầu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, để đi tới tăng trưởng phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020, theo báo cáo của ban điều hành Masan.

Cụ thể, kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) đạt doanh thu thuần quý II tăng trưởng 92% so với cùng kỳ lên 17.766 tỷ đồng và luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 35.404 tỷ đồng, tăng 103,3% so với nửa đầu năm ngoái.

Mức tăng trưởng về doanh thu được ghi nhận chủ yếu bởi nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp, The CrownX (The CrownX - Công ty nắm giữ lợi ích của MSN tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings). Trong giai đoạn 1, The CrownX là xây dựng nền tảng phục vụ các mặt hàng nhu yếu phẩm có khả năng mở rộng quy mô. 

Doanh thu quý II của The CrownX tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ, đạt 12.592 tỷ đồng, tăng 20,5% so với quý II/2019 qua đó đẩy doanh thu nửa đầu năm lên 25.848 tỷ đồng.

Tới thời điểm kết thúc năm 2020, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan đạt 265 tỉ đồng trong Quý 4/2020 và 1.234 tỉ đồng trong năm 2020. Để đạt được điều này, công ty hoàn thành mục tiêu tài chính đề ra với doanh thu thuần hợp nhất đạt 77.218 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi hay tăng 106,7% so với mức 37.354 tỉ đồng trong năm 2019. 

Trong đó, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỉ đồng, xấp xỉ 2,5 tỉ USD, nhanh chóng vươn lên trở thành công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng đứng thứ 2 về doanh thu tại Việt Nam. 

Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, VinCommerce đã đạt mức EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) dương 0,2%. Lợi nhuận 16 tỷ đồng tuy không phải mức cao nhưng nó thể hiện rõ giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi đã hoàn tất. Doanh thu đạt mức 10,7% vào năm 2020 khi tăng trưởng hai chữ số trên mỗi m2 của VinMart+. 

Cũng nhờ có đà tăng trưởng từ VinCommerce, công ty Masan Consumer Holdings (MCH) cũng bắt đầu đạt dấu ấn lịch sử là ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 1 tỉ USD vào năm 2020. Như vậy, so với năm 2019, doanh thu thuần và EBITDA đã lần lượt tăng trưởng 27,2% và 22,4%.

Các sản phẩm Meatdeli được phổ biến rộng khắp trên hệ thống các siêu thị VinMart và VinMart+ đã giúp Masan MEATLife có biên EBITDA năm 2020 đạt mức 11,7% và doanh thu thuần năm 2020 tăng 16,8% lên 16.119 tỉ đồng.

Tương tự, công ty Masan High-Tech Materials (MHT) cũng ghi nhận biên EBITDA đạt 19,3% và doanh thu thuần tăng trưởng 57,8% cho năm tài chính 2020. Nguyên do của mức tăng trưởng chủ yếu nhờ vào hợp nhất HCS vào tháng 6/2020.

Trong cả năm 2021 này, Masan muốn chuyển đổi mục tiêu biến VinCommerce thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline chứ không chỉ đơn thuần là điểm mua sắm thuần túy. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.

Xem thêm: Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và HĐQT tập đoàn Masan 9 năm liền không nhận thù lao

Phương Thúy