Ông Nguyễn Đình Tuấn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc NCB
Hội đồng quản trị NCB vừa bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó, từ ngày 13/5, ông Nguyễn Đình Tuấn sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng này. NCB kỳ vọng việc bổ sung nguồn lực, củng cố đội ngũ ban điều hành sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy tái cấu trúc, tăng trưởng và phát triển.
Ông Nguyễn Đình Tuấn sinh năm 1980, trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Tuấn có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Bộ Giao thông Vận tải), Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Quốc Dân.
Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực NCB, ông Tuấn đã có thời gian 8 năm gắn bó với NCB và trải qua nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Chi nhánh Bắc Ninh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Giám đốc Vùng Hà Nội và gần đây nhất là Phó Tổng giám đốc Thường trực.
Ông Tuấn đang nắm giữ 3 triệu cổ phiếu NVB, giá trị tương ứng khoảng 100 tỷ đồng.
Ngoài quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Tuấn, HĐQT NCB cũng ra quyết định thôi đảm nhiệm chức danh quyền Tổng giám đốc theo nguyện vọng cá nhân của bà Dương Thị Lệ Hà, đồng thời giao bà Hà đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc NCB.
Như vậy, tính đến ngày 13/5, ban điều hành NCB gồm có: ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó tổng giám đốc thường trực và 4 Phó tổng giám đốc là bà Dương Thị Lệ Hà, bà Hoàng Thu Trang, bà Lê Kim Chi và bà Nguyễn Thị Thùy Dương.
Với việc kiện toàn bộ máy, củng cố đội ngũ nhân sự cấp cao, NCB hướng tới những bước tiến mang tính đột phá khi chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp và sản phẩm dịch vụ để từng bước đạt được mục tiêu chiến lược của NCB.
Tổng tài sản NCB giảm gần 7.300 tỷ đồng
Kết thúc quý I/2022, Ngân hàng NCB có tổng tài sản 73.897 tỷ đồng, giảm gần 7.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương giảm 9%).
Đáng chú ý, nợ phải trả của Ngân hàng NCB này tương đương tới 94,2% tổng tài sản tương đương với mức 69.612,4 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của nhà băng này chỉ tương đương vỏn vẹn 5,8% tổng tài sản, tức 4.284,6 tỷ đồng.
So với quý I/2021, tiền mặt của Ngân hàng NCB giảm 6,8% xuống 303 tỷ đồng; Tiền gửi Ngân hàng nhà nước tăng 108,6% lên mức 1.465,7 tỷ đồng; Tiền gửi tại TCTD khác tăng 20,4% lên 5.557 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động tín dụng của Ngân hàng NCB ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng NCB đạt 40.421 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 3,2% so với hồi đầu năm. Đồng thời, tiền gửi khách hàng tại Ngân hàng NCB đạt mức 59.648 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm, giảm tới 16,4% so với cùng kỳ.
Hoạt động tín dụng khiến nguồn thu từ thu nhập lãi thuần của Ngân hàng NCB giảm 34,2% so với cùng kỳ xuống còn 260 tỷ đồng.
Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng này có những biến động trái chiều.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối bất ngờ báo lỗ gần 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi gần 4 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ tăng vọt gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 85 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 3 lần và đạt 60 tỷ đồng; hoạt động khác chuyển từ lỗ 6 tỷ của cùng kỳ năm ngoái sang có lãi gần 4 tỷ đồng trong kỳ này.
Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng NCB giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 172 tỷ đồng.
Trong quý I/2022, Ngân hàng NCB phải chi gần 167 tỷ đồng cho chi phí dự phòng, giảm gần 19% so với quý I/2021.
Nhìn chung trong quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của NCB giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 25 tỷ đồng. Dù vậy, con số này đã khả quan hơn so với quý liền trước (quý IV/2021) khi ngân hàng báo lỗ kỷ lục hơn 200 tỷ đồng.
Về nợ xấu, dù dư nợ cho vay khách hàng giảm nhưng nợ xấu của NCB lại tăng mạnh trong quý I/2022. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2022, tổng nợ xấu của ngân hàng lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 20,7% so với hồi đầu năm, tương đương mức tăng gần 148% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Ngân hàng NCB tăng từ 3% của đầu năm lên tới 3,73%.
Trong đó, Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn giảm 12% so với đầu năm xuống mức 531 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 51%% đạt 274 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng 51,2% đạt 703 tỷ đồng.