Phát Đạt (PDR): Không có đồng doanh thu nào từ chuyển nhượng đất và hàng hóa BĐS trong quý IV/2022, lỗ ròng 230 tỷ
Doanh thu từ chuyển nhượng đất và hàng hóa BĐS quý IV bằng 0, Phát Đạt lỗ sau thuế gần 230 tỷ
Cụ thể, Phát Đạt ghi nhận doanh thu quý IV vừa qua chỉ 14,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.229 tỷ đồng của quý IV/2021 dù đã tăng từ mức hơn 11 tỷ đồng của quý III/2022. Đáng chú ý, doanh nghiệp không ghi nhận đồng doanh thu nào từ chuyển nhượng đất, trong khi cùng kỳ 2021 ghi nhận hơn 1.200 tỷ. Doanh thu từ chuyển nhượng hàng hóa bất động sản cũng bằng 0. Toàn bộ 14,6 tỷ đồng doanh thu trong quý IV vừa qua đến từ cung cấp dịch vụ.
Trừ giá vốn hàng bán lên tới 28,6 tỷ đồng, công ty ghi nhận lỗ gộp gần 14 tỷ đồng trong quý.
Trong kỳ, Phát Đạt ghi nhận doanh thu tài chính chỉ 16,4 tỷ đồng, tăng so với con số 2,6 tỷ đồng cùng kỳ 2021 nhưng giảm mạnh so với 1.249 tỷ đồng của quý III liền trước - quý mà công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến nhờ chuyển nhượng cổ phần ở các công ty con. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt khoảng gấp 3 lần lên 221,1 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 140,5 tỷ đồng; chi phí phát hành trái phiếu tăng hơn gấp 4 lên 10 tỷ đồng và ngoài ra là 70 tỷ đồng lỗ chuyển nhượng từ các công ty con.
Cùng đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động không đáng kể, lần lượt đạt 4,5 tỷ đồng và 72 tỷ đồng.
Trừ chi phí, Phát Đạt báo lỗ sau thuế quý IV/2022 gần 229,5 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 751,5 tỷ đồng của quý IV/2021 cũng như khoản lãi 711 tỷ đồng của quý liền trước. Lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ gần 267 tỷ đồng.
Sở dĩ doanh nghiệp ghi nhận lỗ nặng như vậy trong quý IV/2022, theo giải trình của chính Phát Đạt, là do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản dẫn đến đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi. Cùng đó, chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty cũng là một nguyên nhân khác góp phần dẫn đến quỹ lỗ ròng đầu tiên kể từ 2011.
Lũy kế cả năm 2022, PDR ghi nhận tổng doanh thu 1.505 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.170 tỷ đồng, giảm lần lượt 58% và 37% so với năm 2021.
153 triệu cổ phiếu đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu trị giá hơn 2.500 tỷ
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Phát Đạt tăng hơn 11% so với đầu năm lên 22.845 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh so với đầu năm, từ 494 tỷ đồng về gần 262 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính vừa công bố, chủ yếu tài sản của Phát Đạt hiện đọng ở các khoản phải thu ngắn hạn (5.650 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng tài sản và tăng 123% so với đầu năm) cùng hàng tồn kho (12.132 tỷ đồng - chủ yếu là các dự án BĐS - chiếm 53% tổng tài sản và biến động không đáng kể so với đầu năm).
Ở khoản mục Phải thu ngắn hạn, tính đến 31/12/2022, số dư Phải thu giữa Phát Đạt với CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings đã giảm mạnh từ gần 498 tỷ đồng vào đầu năm xuống hơn 160 tỷ đồng, bao gồm 125,3 tỷ đồng Phải thu khách hàng và 40,5 tỷ đồng phải thu khác.. Tuy nhiên, số dư Phải thu ngắn hạn giữa Phát Đạt và hàng loạt bên có ít nhiều liên quan đến Đầu tư Danh Khôi Holdings như Công ty TNHH Bất động sản IDK (IDK); Công ty CP Đầu tư BĐS NTR, CTCP Bất động sản CDK (CDK), CTCP Bất động sản BDK (BDK), Công ty TNHH Bất động sản EDK (EDK), Công ty TNHH Bất động sản (HDK), Công ty TNHH Bất động sản GDK (GDK); … lại ghi nhận thêm hàng trăm tỷ đồng phát sinh mới.
Các công ty này đều là những bên có cùng thành viên quản lý chủ chốt hoặc liên hệ khác với CTCP Tập đoàn Danh Khôi, tức công ty có cùng chủ sở hữu với Đầu tư Danh Khôi Holdings, theo thông tin tại BCTC quý IV/2022 mới công bố của CTCP Tập đoàn Danh Khôi.
Bên cạnh đó, Phát Đạt còn có 1.776 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tăng 57% so với đầu năm, chủ yếu là đầu tư vào công ty liên kết. Mức tăng chủ yếu đến từ khoản đầu tư 643 tỷ đồng vào CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL. Đến 31/12/2022, Phát Đạt hiện nắm giữ 27,86% cổ phần tại công ty liên kết này.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nghĩa vụ nợ phải trả của Phát Đạt đến 31/12/2022 là 13.576 tỷ đồng, tăng 9,4% so với thời điểm đầu năm, phần lớn trong số đó là nợ ngắn hạn (ước khoảng 81%). Cả nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp đạt 4.440 tỷ đồng, tăng gần 30%. Trong đó, vay ngắn hạn tăng mạnh từ 807 tỷ đồng lên 2.668 tỷ đồng, tức tăng hơn gấp 3 lần. Vay dài hạn giảm xuống 1.772 tỷ đồng, giảm từ 2.620 tỷ đồng vào đầu kỳ.
Theo thuyết minh của doanh nghiệp, tính đến 31/12/2022, vay ngân hàng cả ngắn hạn và dài hạn là 797,5 tỷ đồng. Vay trái phiếu tất cả các kỳ hạn là 2.510 tỷ đồng. Vay các bên khác là 1.132,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vay trái phiếu ngắn hạn tăng hàng chục lần từ 229,35 tỷ đồng vào 31/12/2021 lên 2.214,5 tỷ đồng vào 31/12/2022. Vay trái phiếu dài hạn ngược lại giảm mạnh từ 2.126,6 tỷ đồng xuống 295,7 tỷ đồng.
Tổng cộng khoản dư nợ trái phiếu 2.510 tỷ đồng này đang được Phát Đạt đảm bảo bằng gần 153 triệu cổ phiếu sở hữu bởi cổ đông cũng như một số tài sản là đất và quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, Phát Đạt cũng dùng tài sản là đất và quyền sử dụng đất cùng 19,9 triệu cổ phiếu sở hữu bởi cổ đông để đảm bảo cho khoản vay ngân hàng 797,5 tỷ đồng; dùng 25,5 triệu cổ phiếu và quyền sở hữu các căn hộ hình thành trong tương lai tại TP Quy Nhơn (Bình Định) để đảm bảo cho các khoản vay các bên khác 1.132,3 tỷ đồng.