Phát triển Du lịch Việt Nam sắp “chạm ngưỡng”
(DNVN) - Đó là nhận định trong phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo du lịch quốc gia cũng rất xúc động khi lần đầu tiên một diễn đàn cấp cao riêng về du lịch được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế (ViEF), do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Bộ VHTT-DL và Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia tổ chức.
Tuy nhiên, với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, ông nhận thấy mình đang phải đối mặt với một thách thức lớn đó là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng du lịch rất tốt trong mấy năm qua, làm sao để tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục tăng lên chứ không phải là đã "chạm ngưỡng".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Du lịch là một ngành tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều nghề. Những năm vừa qua, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh so với tốc độ chung của thế giới, nhưng giữ được tốc độ phát triển như hiện nay vô cùng khó.
Trong khi đó, một ngành khi phát triển nhanh sẽ đạt đến một ngưỡng phát triển nhất định. Vì vậy, du lịch Việt Nam sẽ vấp phải những hạn chế mà ngành du lịch không thể giải quyết được và các ngành cũng không thể giải quyết được trong vòng một thời gian ngắn. Đơn cử như vấn đề liên quan hạ giao thông, chính sách visa, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc…, sẽ rất khó khăn để đạt được tham vọng tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng du lịch.
Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, làm thế nào duy trì tăng trưởng và giải quyết thách thức là yêu cầu lớn với ngành du lịch. Vì vậy, một mặt chúng ta phải thúc đẩy giải quyết các vấn đề này, mặt khác vẫn có các giải pháp ngắn hạn, trước mắt. Bởi du lịch hiện được coi là ngành kinh tế phát triển chung cùng nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, du lịch sẽ không phải đi cùng nữa mà sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.
Theo phân tích của Phó Thủ tướng: Nếu làm tốt, du lịch sẽ chia sẻ được cả những tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình là con người, văn hóa Việt Nam, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác. Như du lịch nông nghiệp nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh tại vùng đó, sẽ sản xuất ra sản phẩm an toàn hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu tốt hơn.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh homestay, du lịch cộng đồng sẽ không chỉ giúp người nghèo tăng thu nhập, giúp du khách trải nghiệm văn hóa Việt Nam mà quan trọng hơn là du lịch cộng đồng sẽ mang thế giới đến tận gia đình người nông dân, tác động đến các em nhỏ ở trong các ngôi nhà ấy và góp phần thay đổi tương lai của những gia đình này. Vì vậy, những người làm du lịch, ngoài làm tốt nhiệm vụ của mình, cần nhận trách nhiệm thúc đẩy, tiên phong đi trước trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…
Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở: Chắc chắn trong vài ba năm sắc tới, Việt Nam không thể có thể có ngân sách 50 triệu USD để quảng bá du lịch như một số quốc gia khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta chỉ có một số triệu USD làm sao để quảng bá tốt nhất? Ngoài các kênh quảng bá chuyên nghiệp truyền thống, cần áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ, phải dùng công nghệ thông tin một cách triệt để.
Bởi công nghệ thông tin sẽ giúp giải quyết rất nhiều việc mà trước đây tưởng chừng không giải quyết được. Như tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch biết ngôn ngữ các nước, rất khó để đào tạo ngay mấy chục nghìn hướng dẫn viên du lịch đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giải quyết vấn đề này, nhiều điểm đến đã có những ứng dụng làm thay con người thông qua các chương trình dành cho điện thoại thông minh.
Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ chính thức phát động phát triển du lịch thông minh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng nền tảng, từ đó huy động tất cả các doanh nghiệp tham gia vào phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…
Phó Thủ tướng mong muốn sẽ có sự phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, của Trung ương với địa phương và người dân tốt hơn nữa. Bởi phát triển du lịch cần đến sự chung tay của từng người dân. Du lịch phát triển cần một đất nước phải ổn định, hòa bình, mọi người an toàn. Mọi người biết được về Việt Nam không chỉ là về vẻ đẹp tiềm ẩn mà kể cả những vẻ đẹp đã phát lộ cũng rất hấp dẫn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chung tay chấm dứt những hạt sạn khiến du khách nước ngoài phải nhăn mặt như: ép giá, ăn cắp vặt, vệ sinh đường phố…