Phó Thủ tướng: Chính phủ Sẽ nới lỏng tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn
Tiếp tục phiên họp thứ 26, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư.
Liên quan lĩnh vực ngân hàng, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần - đại diện cơ quan tổng hợp thẩm tra các báo cáo cho biết, giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước thời gian qua được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới.
Việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng có hiệu quả. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả thẩm tra cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
“Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn”, bà Ngần cho hay.
Tại phiên họp, thông tin về tình trạng sở hữu chéo, thao túng, “sân trước, sân sau”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là vấn đề các cấp có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo. Trên hồ sơ, đến nay tình trạng sở hữu chéo đã cơ bản được khắc phục.
Nhưng trong thực tế, bà Hồng cho biết cũng có tình trạng đứng tên hộ về sở hữu cổ phần. "Qua điều tra các vụ việc vừa qua mới phát hiện ra. Đây là vấn đề NHNN rất quan tâm", bà Hồng cho biết.
Vì vậy, khi xây dựng dự thảo luật về các tổ chức tín dụng, những vấn đề này được coi là trọng tâm, để làm sao giảm tối đa tình trạng này. Tuy nhiên, quá trình xin ý kiến vẫn còn những ý kiến băn khoăn, ví dụ quy định này có xử lý được triệt để, chống được sở hữu chéo, sân trước sân sau không?
“Qua trao đổi thảo luận, NHNN thấy, nếu chờ có một quy định xử lý triệt để sẽ không bao giờ có. Không chỉ luật về các tổ chức tín dụng mà trong các lĩnh vực khác, phải có các quy định, làm sao để hoạt động của doanh nghiệp minh bạch”, bà Hồng cho hay.
Về nợ xấu, Thống đốc lý giải, nghe thì tưởng của hệ thống ngân hàng, nhưng thực ra là các khoản nợ của doanh nghiệp, cá nhân vay của ngân hàng, khi không có khả năng trả nợ thì trở thành nợ xấu.
Thống đốc cho rằng, nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thực tiễn của hoàn cảnh kinh tế. Trước kia, kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng rất cao. Năm 2011 – 2012, nợ xấu lên đến 17,2%; năm 2017 nợ xấu cũng trên 10%. Sau đó, nợ xấu giảm, nhưng từ 2020, tiếp tục gặp khó khăn, nợ xấu hiện nay đang tăng lên. Bà Hồng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp, tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các lĩnh vực được nêu trong nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội thời gian vừa qua. “Nhận xét chung các vấn đề này có ba chữ “chậm”, “nợ”, “sót”, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý khắc phục những nội dung còn tồn tại,…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết.
Ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành. Liên quan đến ngân hàng, ông Quang cho biết, sẽ tập trung vào việc nới lỏng sự tiếp cận tín dụng, để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh tình hình sản xuất kinh doanh.