Phố Wall sẵn sàng cho tháng Bảy then chốt sau nửa đầu năm ảm đạm
Mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp quý II, số liệu lạm phát của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một số sự kiện chủ chốt đáng chú ý, sau khi chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 20,6% trong sáu tháng đầu năm 2022.
Môi trường nhiều bất ổn
Hiện tại, tình hình ở Phố Wall đang khá ảm đạm. Trái phiếu, kênh được các nhà đầu tư tin tưởng sẽ giúp bù đắp sự sụt giảm của cổ phiếu, lại đi xuống cùng với cổ phiếu. Chỉ số Trái phiếu Kho bạc ICE BofA đang hướng tới năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Khoảng 90% chuyên gia tham gia trong một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng Deutsche Bank dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023.
Nhân tố chính đằng sau sự hỗn loạn trên thị trường là FED. Sau gần hai năm áp dụng các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch COVID-19, ngân hàng trung ương này đang nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát đã chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Ông Eric Kuby, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài chính North Star Investment Management, hy vọng sẽ có ít tin tức xấu hơn vào tháng Bảy, từ đó giúp đưa thị trường đảo ngược xu hướng theo chiều có lợi hơn trong nửa cuối 2022.
Tuy nhiên, chiến lược gia đầu tư Sam Stovall của CFRA, cho hay lịch sử không cho thấy mang tới nhiều tiền lệ lạc quan cho những người hy vọng thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm sau nửa đầu ảm đạm.
Trong một báo cáo gần đây, chuyên gia Stovall cho biết trong 10 lần chỉ số S&P 500 ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, chỉ số này chỉ phục hồi vào sáu tháng cuối năm trong 5 lần với mức tăng trung bình chỉ 2,3%.
Thấp thỏm mùa công bố thu nhập doanh nghiệp
Mùa báo cáo thu nhập quý II dự kiến vào giai đoạn chính từ ngày 11/7, mang tới những tín hiệu về việc liệu các công ty có thể duy trì ước tính kinh doanh trước đó bất chấp những lo lắng ngày một lớn về lạm phát và tăng trưởng hay không.
Các nhà phân tích kỳ vọng thu nhập hàng quý của các công ty sẽ tăng trung bình 5,6% so với cùng kỳ một năm trước, điều chỉnh giảm nhẹ so với ước tính đưa ra hồi đầu tháng Tư là 6,8%.
Ông Anthony Saglimbene, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Ameriprise, cho biết, nếu các công ty có thể đáp ứng kỳ vọng thị trường, hoặc đơn giản vượt qua những dự báo vốn đã được hạ thấp, đó sẽ là một luồng gió tích cực cho thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong khi đó, các nhà chiến lược tại ngân hàng Goldman Sachs tỏ ra kém lạc quan hơn khi cảnh báo rằng nhiều dự báo về tỷ suất lợi nhuận của các công ty "có vẻ quá lạc quan". Họ ước tính tỷ suất lợi nhuận trung bình của công ty thuộc nhóm S&P 500 có thể sẽ giảm vào năm tới, dù nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không.
Nín thở chờ số liệu kinh tế
Về mặt số liệu, các báo cáo việc làm và lạm phát sẽ giúp giới đầu tư có cái nhìn tổng thể về nền kinh tế sau khi FED tăng lãi suất thêm tổng cộng 150 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay.
Gần đây đã xuất hiện những bằng chứng về đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đang suy yếu. Báo cáo hôm 1/7 cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng Sáu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm. Trước đó vào đầu tuần, một báo cáo khác cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào tháng 6/2022 cũng rơi xuống ở mức thấp nhất trong 16 tháng.
Một báo cáo việc làm được cho là gây thất vọng dự kiến công bố ngày 8/7 có thể làm trầm trọng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn. Sang tuần tiếp theo, số liệu về giá tiêu dùng của Mỹ sẽ lại “vào tầm ngắm” sau khi số liệu “nóng” hơn dự kiến của tháng Năm đã gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu và khiến FED đưa ra mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Sáu.
Các số liệu của tháng Bảy sẽ ảnh hưởng đến động thái của FED tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 26-27/7. Thị trường nhìn chung dự kiến ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp cuối tháng.
Một số nhà đầu tư dự đoán đà tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ khiến FED phải đẩy nhanh việc “mềm mỏng hóa” lập trường chính sách sớm hơn so với dự kiến của các nhà hoạch định. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại công ty tư vấn tài chính Capital Economics không đồng ý với quan điểm này.
Trong một ghi chú ngắn mới công bố, họ cho rằng khó xảy ra sự đảo chiều quan điểm nhanh chóng như vậy, vì nó đi ngược với xu hướng hành động của FED trong những thập kỷ gần đây. Do đó, các nhà phân tích của Capital Economics không kỳ vọng chứng khoán và trái phiếu Mỹ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.