Phương án huy động 350.000 tỷ đồng cho gói phục hồi kinh tế

Nguyễn Minh Quyết 06:00 | 05/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ dự kiến phương án huy động vốn thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế từ hai nguồn, gồm: Vay từ các nguồn trong nước và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; Huy động từ các nguồn do NHNN quản lý và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Chính phủ dự kiến phương án huy động vốn thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế từ hai nguồn, gồm: Vay từ các nguồn trong nước và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; Huy động từ các nguồn do NHNN quản lý và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Theo báo cáo về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi kinh tế sẽ gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng đã đưa ra các giải pháp huy động vốn thực hiện cho Chương trình.

Theo đó, tổng nhu cầu huy động vốn cho NSNN là 240.000 tỷ đồng (gồm tăng chi 169.000 tỷ đồng, 71.000 tỷ đồng miễn giảm thuế), trong đó năm 2022 là 84.000 tỷ đồng, năm 2023 là 156.000 tỷ đồng. 

Chính phủ cho biết, đây là nhiệm vụ huy động vốn rất lớn do năm 2022, 2023 còn phải duy động khoảng 550.000 tỷ đồng/năm theo dự toán NSNN được Quốc hội phê duyệt, trong đó vay trong nước khoảng 500.000 tỷ đồng/năm.

Để hoàn thành khối lượng huy động vốn nêu trên, bắt buộc phải vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác; điều hành chủ động, linh hoạt đối với các nguồn huy động trong nước, vay ODA, ưu đãi nước ngoài cần. Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

Dự kiến huy động vốn từ hai nguồn

Trên cơ sở đánh giá thực trạng các nguồn vay trong và ngoài nước cho cả Chương trình và Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Chính phủ dự kiến phương án huy động vốn thực hiện Chương trình từ hai nguồn gồm: Vay từ các nguồn trong nước và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; Huy động từ các nguồn do NHNN quản lý và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Chính phủ dự kiến huy động 125.000 tỷ từ các nguồn trong nước, vay ODA, ưu đãi nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN).  

Về giải pháp vay từ các nguồn trong nước và vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Chính phủ dự kiến huy động tối thiểu 125.000 tỷ đồng trong hai năm 2022, 2023.

Cụ thể, vay từ phát hành TPCP bằng nội tệ tại thị trường trong nước, trong giai đoạn 2016 – 2020, bình quân huy động được 265.000 tỷ đồng TPCP/năm, kỳ hạn bình quân 12,21 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm. Năm 2021 dự kiến huy động được khoảng 330.000 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính dự báo giai đoạn tới có thể phấn đấu huy động tối đa khoảng 500.000 tỷ đồng/năm (tăng 1,9 lần so giai đoạn trước).

Linh hoạt huy động từ TPCP nội tệ và ngân quỹ nhà nước để đáp ứng vốn thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, dự toán NSNN hàng năm (khoảng 470-480.000 tỷ đồng/năm) và thực hiện Chương trình (70.000 tỷ đồng trong hai năm 2022, 2023).

Ngoài ra, vay thông qua phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo phương thức đấu thầu tại thị trường trong nước và vay ODA, ưu đãi nước ngoài hỗ trợ chung ngân sách tối thiểu 55.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, việc phát hành TPCP ngoại tệ chỉ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép. Tuy nhiên, cần khai thác tối đa nguồn vốn nước ngoài dưới hình thức vay ODA song và đa phương, phát hành trái phiếu quốc tế để chủ động hơn trong cân đối NSNN.

Bởi với các số liệu huy động và sử dụng ngoại tệ hiện nay của hệ thống ngân hàng, huy động qua kênh này khó khả thi, mặt khác nếu huy động sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, không loại trừ khả năng NHNN phải can thiệp để giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Về vay ODA, ưu đãi nước ngoài, theo Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Bộ Tài chính dự kiến huy động 527.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang làm việc với các đối tác để rà soát các khoản vay ODA, ưu đãi, trường hợp có thể huy động thêm trong năm 2022 - 2023 sẽ giảm tương ứng khối lượng phát hành TPCP ngoại tệ.

Về giải pháp huy động từ các nguồn do NHNN quản lý và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Bộ Tài chính kiến nghị phát hành trực tiếp TPCP cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo kinh nghiệm quốc tế, NHTW các nước chủ yếu mua TPCP trên thị trường thứ cấp để hỗ trợ thanh khoản thị trường. Hiện nay, đã có quy định cho phép NHNN mua hẳn TPCP trên thị trường thứ cấp từ các ngân hàng thương mại, theo đó, NHNN có thể hỗ trợ công tác huy động vốn của Bộ Tài chính thông qua mua hẳn TPCP để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, tăng cầu mua TPCP.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, biện pháp này chỉ được các nước triển khai khi mà lạm phát ở mức thấp và nền kinh tế có rủi ro rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi lạm phát có dấu hiệu gia tăng, nhiều quốc gia đã nhanh chóng thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt, điển hình là Mỹ, Châu Âu, Australia, New Zealand. 

"Do đó, trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trong giai đoạn tới, cần cân nhắc thận trọng giải pháp nêu trên", báo cáo Chính phủ nêu rõ.

Theo đó, trong quá trình điều hành, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ, NHNN sẽ điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản hợp lý cho các TCTD, đồng thời tạo điều kiện để TCTD tăng cường khả năng đầu tư vào TPCP.

Căn cứ khả năng huy động vốn để thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính kiến nghị, xem xét, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định.

Do khối lượng huy động vốn cho Chương trình và cho Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, dự toán NSNN hàng năm rất lớn, trường hợp các nguồn vay trong nước gặp khó khăn về thanh khoản, Bộ Tài chính chủ trì, báo cáo Thủ tướng quyết định việc tạm ứng cho NSTW để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ NSTW, phát hành tín phiếu trực tiếp cho NHNN, hoàn trả khoản tạm ứng/thanh toán tín phiếu trong năm ngân sách.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong điều tiết tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành TPCP và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư TPCP.