Quá nhiều thách thức nhưng xuất khẩu cá tra vẫn có thể đạt 2 tỷ USD năm 2024

Trang Mai 16:02 | 23/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường năm 2023 về đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Tuy nhiên mặt hàng này vẫn còn nhiều lợi thế để tăng trưởng trong thời gian tới.

 

 

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường tháng 12/2023 đạt hơn 158 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp giá trị xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trong năm 2023 đầy khó khăn. 

Về thị trường, năm 2023, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2023, thị trường này về đích với gần 573 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Khối lượng các sản phẩm cá tra cũng tăng từ tháng 9/2023 và liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng sau đó. 

Năm 2023, khối thị trường củaHiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhập khẩu từ Việt Nam gần 249 triệu USD cá tra, giảm 24% so với năm 2022. CPTPP cũng là thị trường chứng kiến sụt giảm sâu về nhập cá tra trong năm 2023, tuy nhiên tín hiệu tăng trưởng đã quay trở lại trong quý cuối năm 2023. Tháng 12/2023 giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Sau 5 năm, hiệp định CPTPP đã mở thêm nhiều cơ hội cho cá tra Việt Nam đến gần hơn với từng bữa ăn của người tiêu dùng tại khối thị trường này. 

Nhìn chung, xuất khẩu cá tra sang 4 thị trường chính trong năm 2023 đã giảm đáng kể, xuất phát từ nhiều khó khăn mà toàn ngành thuỷ sản nói chung phải đối mặt như kinh tế suy thoái, các nhà nhập khẩu cá tra ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, CPTTP... có xu hướng giảm lượng tồn kho thông qua việc giảm nhập khẩu để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

 Cá tra là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng từ kinh tế suy thoái năm 2023. Ảnh: Bộ Công Thương

Tại hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết hiện nay Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, nước này cũng đã xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi được cá tra, từ đó đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của cá tra Việt Nam.

Tuy vậy, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, các sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê, các sản phẩm phụ (bong bóng cá tra phơi khô, chả, cá tra ướp thì là…) được thị trường Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng.

Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. 

Cũng tại hội nghị, Cục Thủy sản dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong 2 quý đầu năm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.

Vasep đề xuất, để đạt được mục tiêu 2 tỷ USD cho năm nay, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.