Hải sản Nga vướng lệnh trừng phạt, thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam?
Theo thông tin từ RT, việc Mỹ cấm hải sản Nga diễn ra trong nỗ lực chung của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sau xung đột ở Ukraina.
Sắc lệnh được Tổng thống Biden ký ngày 22/12/2023 cũng nhắm vào hải sản đánh bắt của Nga được chế biến ở các nước bên thứ ba - bao gồm cả Trung Quốc, một nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm hải sản của Nga.
Lệnh cấm áp đặt với cá và cua được đánh bắt ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Nga hoặc do các tàu mang cờ Nga đánh bắt ở ngoài vùng biển Nga, ngay cả khi hải sản này đã được xử lý và thay đổi đáng kể ở bên ngoài nước Nga.
"Do đó, việc nhập vào Mỹ, bao gồm nhập khẩu vào khu vực ngoại thương ở Mỹ các loại cá hồi, cá tuyết, cá minh thái hoặc cua như vậy đều bị cấm” - thông cáo từ văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.
Các lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ với hải sản Nga được triển khai vào tháng 3/2022. Lệnh này cấm các sản phẩm hải sản xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, nhưng cho phép những sản phẩm đó được tự do chuyển đến tay người tiêu dùng Mỹ nếu đã chế biến lần đầu ở một quốc gia khác ngoài Nga.
Lệnh cấm này vốn trước đây đã khiến người tiêu dùng Mỹ vô tình mua phải hải sản thu hoạch ở Nga có chất lượng thấp hơn. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2023, Mỹ đã nhập khẩu 28.000 tấn cá minh thái trị giá 100 triệu USD, chủ yếu là cá minh thái Alaska Nga được chế biến ở Trung Quốc.
Năm 2023, xuất khẩu cá minh thái của Nga đạt khoảng 880.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 13% về khối lượng, giảm 5% về giá trị. Cá minh thái được ưa thích và tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh chính của cá tra do được khai thác tự nhiên, giá rẻ tương đương cá tra nuôi.
11 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 21.000 tấn phile cá minh thái đông lạnh, trị giá 75 triệu USD từ Nga và hơn 19.000 tấn, trị giá 68 triệu USD các sản phẩm này từ Trung Quốc.
Trước đó, từ nửa cuối năm 2022, sau khi xuất hiện xung đột Nga - Ukraine, một số siêu thị bắt đầu hạn chế nhập khẩu cá minh thái và cá haddock của Nga. Trong khi nhu cầu cá thịt trắng ở EU đang rất cao và cá tra Việt Nam được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống trong khẩu phần ăn của người dân khu vực châu Âu.
Mặc dù châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào cá thịt trắng của Nga, tuy nhiên tháng 11/2023, EU vẫn quyết định áp thuế 13,7% đối với các sản phẩm từ Nga như phile cá minh thái và cá tuyết (loại thủy sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam) bao gồm cả các sản phẩm được chế biến tại Trung Quốc nhưng có nguồn gốc từ Nga. Trước đó, các sản phẩm này đều hưởng ưu đãi thuế 0% tại EU. Việc áp thuế này khiến các sản phẩm cá minh thái Nga khó cạnh tranh hơn trên thị trường.
Cá minh thái của Nga xuất đi toàn cầu. Các thị trường khổng lồ như Mỹ hay EU đều đang dần quay lưng với cá minh thái Nga. Do đó, khi các lệnh trừng phạt được áp dụng hàng loạt và thắt chặt hơn cho sản phẩm này, khiến nguồn cung ra thị trường thiếu hụt trầm trọng trong khi nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng không giảm. Ngày càng nhiều nhà chế biến cá thịt trắng tìm kiếm các địa điểm chế biến khác thay thế Trung Quốc. Đây có thể là cơ hội cho cá tra Việt Nam, thay thế cho cá minh thái đánh bắt tự nhiên chế biến thành lát cá tẩm bột và phi lê.