Sản lượng thép nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng 37% khi giá thép trong nước tăng phi mã

09:00 | 03/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ước đạt nhập khẩu 5,07 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó giá thép trong nước đã tăng 30-40% so với quý trước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu sắt thép các loại ước tính trong tháng 4 là 1,4 triệu tấn, giảm 2% và giá trị nhập khẩu tăng nhẹ 0,4%, đạt 1,08 tỷ USD so với tháng trước. 

Lũy kế sau 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu sắt thép ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020.

Cả sản lượng và giá trị nhập khẩu sắt thép đều tăng mạnh so với năm trước khi giá thép trong nước đang tăng phi mã. Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý cuối năm 2020. Hiện tại giá thép xây dựng đã lên đến khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg, giá thép kỹ thuật khoảng 60.000 - 120.000 đồng/kg đạt mức cao kỷ lục.

Tăng sản lượng thép nhập khẩu khi giá thép trong nước tăng

Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép như Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại từ cuối 2020 và dồn dập hơn từ tháng 3 năm nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, các đơn vị liên tục điều chỉnh báo giá, thậm chí có nơi tăng giá 6 lần chỉ trong vòng 10 ngày.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý III năm nay. Giá thép tăng cao kỷ lục và đột biến kéo dài được lý giải do nhiều nguyên nhân từ cả thị trường trong và ngoài nước.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng đang có tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép nói chung vẫn tăng trưởng ổn định nên giá thép bị đẩy lên cao.

Nhìn rộng ra thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia xuất sang quốc gia cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng vì nguyên nhân bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, giá thép bị ảnh hưởng bởi hoạt động logistics trên toàn cầu, các doanh nghiệp không những thiếu container mà còn thiếu tàu vận chuyển, có những lô hàng buộc phải giao trễ dù đã sản xuất xong. Hậu quả là cước phí vận chuyển tăng cao.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng với tình trạng giá thép tăng nóng thời gian qua, nhà thầu xây dựng cả nước đang “đứng trước nguy cơ vỡ trận”. Giá thép tăng cao khiến nhà đầu tư đau đầu giải bài toàn thâm hụt nguồn thu, đội chi phí thi công tăng mạnh trong khi hợp đồng đã ký trước đó.

Các chủ đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước hầu hết đều sử dụng hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký. Còn các dự án sử dụng vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng địa phương trong khi những cơ quan này không cập nhật kịp thời biến động giá.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân giá thép trên thị trường tăng đột biến, đồng thời chỉ đạo các sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường.

Xem thêm: Giá thép tăng 40% đạt mức kỷ lục, nguyên nhân do đâu? 

Hà Ly