Sao Ta (FMC): Lãi ròng quý II giảm 35%, nhưng tín hiệu phục hồi đã rõ hơn trong tháng 6

Lạc Lạc 10:56 | 19/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh toàn ngành thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cùng đi lùi so với cùng kỳ. Thế nhưng trong bức tranh "xám" đã bắt đầu le lói những tín hiệu sáng.

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II đã công bố, FMC ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 1.033 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 47%, từ hơn 165 tỷ xuống còn hơn 87,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,8% của cùng kỳ năm trước xuống còn 8,4% trong quý này.

Doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính lần lượt giảm 29% và 30%, đạt 13,3 tỷ đồng và 11,8 tỷ đồng. Khoản chi phí bán hàng của FMC từ mức 28,4 tỷ đồng xuống còn -9,5 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế quý II của FMC đạt 78 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 71 tỷ, giảm 35%. Đây cũng là quý đầu trong năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng âm về lợi nhuận, tuy nhiên cùng kỳ năm ngoái cũng là thời điểm FMC có mức doanh thu và lợi nhuận "đột biến", cao nhất trong năm 2022 và nhiều năm trở lại đây.  

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận trong quý giảm, FMC cho biết chủ yếu do doanh số giảm tới 20%. Công ty cho biết nếu ở 5 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ giảm 30% so với cùng kỳ, thì lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ giảm 20% so với cùng kỳ, nguyên nhân do doanh số trong tháng 6 tăng mạnh, đây là điểm sáng của tháng 6 và cũng là khởi đầu giai đoạn tăng tốc trong những tháng còn lại của năm.Nhìn lại kết quả kinh doanh của FMC, trong quý II đơn vị này đã ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận so với quý I, đúng với dự báo của doanh nghiệp về một triển vọng dần phục hồi. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.041 tỷ đồng, giảm 25,5% so với 6 tháng đầu năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn bán thuỷ sản của FMC đạt hơn 1.955 tỷ đồng, giảm 26%, còn lại đến từ bán hàng nông sản với 87 tỷ đồng (gần như đi ngang so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế 6 tháng ghi nhận 128 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 400 tỷ đồng đã được thông qua vào ĐHĐCĐ thường niên 2023, FMC đã thực hiện hơn 34% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại một hội nghị về ngành tôm mới đây, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cho biết xuất khẩu sản phẩm tôm Việt Nam sụt giảm không phải từ đầu năm 2023 mà kéo dài từ tháng 8 năm ngoái đến nay. “Thời điểm cuối năm 2022, chúng tôi dự báo đến hết quý I tình hình xuất khẩu mới ổn được, nhưng thực tế biến động vẫn không theo chiều hướng mong muốn”, ông nói.

Theo ông Hoè, xuất khẩu tôm 2023 sẽ không thể có được kết quả như của năm 2022, nhưng hiện nay đang có những tín hiệu khởi sắc. “Chúng tôi theo dõi số liệu tháng 3, 4 và 5 thì thị trường Mỹ bắt đầu nhập khẩu tăng dần từ Việt Nam cũng như các nước khác”, vị này kỳ vọng. 

Trong bài viết đăng tải trên website của Vasep ngày 11/7, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT của Sao Ta nhận định, quý III sẽ là quý tăng tốc tiêu thụ mặt hàng tôm ra thế giới của Việt Nam. Một trong những yếu tố thúc đẩy là do bước vào thời điểm mùa tiêu thụ khi diễn ra các lễ hội (tháng 7 là Quốc Khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…) và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2023, FMC có tổng tài sản đạt hơn 3.201 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho (chủ yếu là thành phẩm) của doanh nghiệp chiếm 40% tổng tài sản, tăng 38% từ đầu năm lên 1.286 tỷ đồng.Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cũng giảm 300 tỷ, tương đương hơn 50% từ đầu năm, xuống còn 296 tỷ đồng. 

Nợ của FMC đến hết quý II ở mức 1.145 tỷ đồng, tăng 31% so với mức 872 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm. Sự thay đổi lớn đến từ khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng đã tăng 370 tỷ đồng trong 6 tháng, lên 885 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp 2.056, trong đó bao gồm 654 tỷ vốn cổ phần, 617 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và một số khoản khác.