Sáp nhập Lê Me, doanh thu mảng trái cây của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tăng 74%

Trang Mai 16:34 | 31/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi sáp nhập Lê Me, công ty sở hữu hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp tại Campuchia và Lào, doanh thu mảng trái cây của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) tăng vọt trong quý III/2023.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng gần 710 tỷ đồng

Quý III cũng là quý đầu tiên HAGL sáp nhật Lê Me, doanh nghiệp đang sở hữu vùng đất rộng lớn trồng các loại cây nhiệt đới ở Campuchia và Lào. 

Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt 1.889 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng trái cây 1.004 tỷ đồng, tăng 73%; mảng bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ tăng 19%; mảng bán heo giảm 9%, mảng bán bò tăng 150%.

Bên cạnh đó, trong quý III năm ngoái, HAGL hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 220 tỷ đồng. Khoản hoàn nhập này được ghi nhận như một khoản doanh thu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Quý III năm nay, HAGL không còn hoàn nhập dự phòng, tương đương với việc không còn khoản thu hàng trăm tỷ đồng. 

Kèm với đó là doanh thu tài chính giảm 70%, chủ yếu do lãi cho vay giảm mạnh so với cùng kỳ 2022. Chi phí tài chính tăng 66 tỷ đồng do doanh nghiệp không còn phát sinh khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư dài hạn. 

Ngoài ra, HAGL cũng ghi nhận 151 tỷ đồng từ thanh lý tài sản. 

Kết quả, doanh nghiệp lãi sau thuế 325 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi sau thuế 710 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng đầu năm 2022. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Hàng loạt giao dịch với các công ty liên quan

Báo cáo của HAGL cũng ghi nhận hàng loạt giao dịch của công ty với các công ty liên quan. 

Tính đến cuối quý III/2023, HAGL có các khoản phải thu lên tới 1.191 tỷ đồng với các công ty liên quan. Ngoài ra, HAGL cũng trả trước cho các công ty liên quan số tiền 1.058 tỷ đồng. 

Riêng Công ty Cổ phần Chế biến Thức ăn Gia súc Đông Gia Lai vẫn còn nợ HAGL 840 tỷ đồng tiền mua hàng hóa. Đồng thời, HAGL cũng mua hàng hóa từ Đông Gia Lai và ứng trước tiền cho công ty này 683 tỷ đồng. 

Đông Gia Lai là công ty có cùng thành viên quản lý chủ chốt với HAGL, theo thông tin từ báo cáo soát xét bán niên 2023 của công ty. 

Ngoài cho các công ty liên quan nợ mua hàng, ứng trước tiền mua hàng cho các công ty này, HAGL đồng thời có nhiều khoản cho vay với các công ty liên quan với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng. 

Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên là công ty vay nợ từ HAGL nhiều nhất, lên tới 1.260 tỷ đồng. Tiếp theo là HAGL Agrico, doanh nghiệp từng là công ty con của HAGL - với số tiền 1.184 tỷ đồng. 

Trong 9 tháng đầu năm, riêng lãi tiền cho vay HAGL thu về 275 tỷ đồng, tương đương 40% chi phí lãi vay công ty phải trả trong kỳ.

Hết quý III, doanh nghiệp còn tổng nợ 15.953 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn và dài hạn 7.778 tỷ đồng, giảm 4,8% so với đầu năm. Vốn chủ ghi nhận 5.543 tỷ. Lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối hơn 2.640 tỷ. 

 

Mảng chuối và kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong quý IV

Cùng ngày, HAGL đã công bố biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh cáo. Theo đó, doanh nghiệp cho biết đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo. 

Về tình hình đầu tư các dự án, công ty vẫn đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực là heo, chuối và sầu riêng. Trong đó doanh thu và sản lượng chuối dự kiến sẽ tăng mạnh trong quý IV và năm 2023. 

Về công tác tái cơ cấu tài chính, công ty vẫn đang trong quá trình thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời phần nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. 

“Với những tín hiệu khả quan và các dự án tiềm năng, công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xóa lỗ luỹ kế, khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo”, doanh nghiệp khẳng định.