Hoàng Anh Gia Lai: Lãi ròng cao nhất thập kỷ, trả hơn được 6.300 tỷ nợ sau 10 năm

Trang Mai 13:46 | 31/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) của “bầu Đức'' là doanh nghiệp trong ngành nông được nhắc đến khá nhiều thời gian qua bởi thương vụ mua bán sầu riêng “1 vốn 7 lời”. Cùng đó, khoản nợ vay tài chính của đơn vị này cũng đã giảm mạnh theo thời gian.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 vừa công  bố, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, doanh thu trái cây đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng 68%, ngược lại, doanh thu bán heo lại giảm 34%. Đáng chú ý, trong 3 tháng cuối năm ngoái, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) ghi nhận 295 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp 3,5 lần quý IV/2022. Trong đó, có 240 tỷ đồng từ lãi thanh lý khoản đầu tư.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tài chính quý vừa qua của công ty biến động lớn do được miễn giảm lãi vay của Eximbank. Chi phí khác trong kỳ tăng hơn 7 lần do thực hiện thanh lý một số tài sản và xóa sổ các tài sản hoạt động không hiệu quả.

Điều này đúng với tiết lộ trước đó của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức rằng công ty đã thỏa thuận xong với Eximbank về việc thanh toán đủ số tiền gốc và lãi 750 tỷ đồng cho ngân hàng, đổi lại Eximbank miễn giảm gần 1.425 tỷ đồng cho doanh nghiệp. 

Một điểm tích cực khác là công ty có lợi nhuận khác hơn 254 tỷ đồng, nhờ thực hiện thanh lý và xóa sổ một số tài sản. Lãnh đạo HAGL từng nhắc đến việc đẩy nhanh bán bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai trong những ngày cuối năm 2023. 

Những nguồn thu bất thường từ hoạt động cơ cấu tài chính và bán tài sản trên đã giúp cho doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.108 tỷ đồng, cao gấp 4,8 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 25 quý.

 

Lũy kế năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 36%; lãi ròng đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Tuy có nhiều doanh thu từ hoạt động tài chính, nhưng kinh doanh cốt lõi vẫn khả quan khi có lãi gộp tăng 16% lên 1.364 tỷ đồng. 

Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 13 năm kinh doanh gần đây của doanh nghiệp “heo ăn chuối” này, tiệp cận mức lãi kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng của thời kỳ hoàng kim năm 2010.

Trong năm 2023, công ty nông nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 5.120 tỷ và có lãi sau thuế 1.130 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị đã lần lượt vượt 35% chỉ tiêu doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận. 

Hành trình 10 năm “trả nợ”

Tính đến hết năm 2023 HAGL có tổng tài sản hơn 21.500 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 8.370 tỷ đồng. Công ty có vay nợ tài chính khoảng 7.900 tỷ. Khoản chi phí lãi vay theo đó cũng giảm gần 3 lần, từ hơn 790 tỷ xuống còn 270 tỷ. 

Số lỗ luỹ kế đến hết năm 2023 đã giảm từ hơn 3.300 tỷ xuống 1.600 tỷ. Xóa lỗ lũy kế là một mục tiêu quan trọng của bầu Đức để hướng đến việc đưa cổ phiếu HAG được giao dịch ký quỹ (margin) trở lại. Người đứng đầu doanh nghiệp kỳ vọng có thể xóa hết lỗ lũy kế từ nửa sau năm 2024 cổ phiếu được cấp margin. 

Thời gian qua, “bầu” Đức cũng liên tục đàm phán, thanh lý tài sản, các danh mục bất động sản cuối cùng để giải quyết nợ vay. 

Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, ngoài Bapi Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp của bầu Đức mới đây cũng đã chuyển nhượng 9,9 triệu cổ phần tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99% vốn điều lệ, để trả nợ gốc trái phiếu năm 2019.

Hồi tháng 10/2023, HAGL cũng đã thanh lý khách sạn nằm trên đường Phù Đổng (Gia Lai) để trả nợ lô trái phiếu phát hành năm 2016 tại BIDV. Đối tác mua lại tài sản này là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai, một doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 20/6/2023 hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt…

Công ty con của tập đoàn là CTCP Chăn nuôi Gia Lai cũng đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trung hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Sau bệnh viện và khách sạn, Hoàng Anh Gia Lai đang muốn bán toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, tương đương 44,5% vốn, tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, HAGL ghi nhận tổng nợ hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 14.000 tỷ là vay nợ tài chính, chiếm 1 nửa tổng tài sản. Sau 10 năm, số nợ vay đã giảm xuống còn hơn 7.900 tỷ, chiếm ⅓ nguồn vốn, cho thấy doanh nghiệp này đang rất tích cực trả nợ vay, “làm sạch” báo cáo tài chính. 

 

Trong văn bản biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh cáo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng ngày, HAGL cho biết kết quả kinh doanh của công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo. Hiện tại, công ty vẫn đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực là chuối, sầu riêng và heo. 

Đồng thời, trong năm 2023, HAGL đã thanh lý một số tài sản không sinh lợi và các khoản đầu tư tài chính để trả bớt một phần nợ trái phiếu BIDV, nhờ đó chi phí lãi vay giảm mạnh và phần nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. 

“Với những tín hiệu khả quan và các dự án tiềm năng nêu trên, công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xoá lỗ luỹ kế, khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo”, bà Võ Thị Mỹ Hạnh, đại diện HAGL thông báo.