Hơn nghìn tỷ ước tính thu về từ phát hành cổ phiếu sẽ được HAGL dùng vào việc gì?
Theo phương án cũ mới được doanh nghiệp công bố cách đây không lâu, tổng số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành năm 2012 với 330,5 tỷ đồng; cơ cấu lại các khoản nợ vay cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang tại TPBank trị giá 269,5 tỷ đồng. 700 tỷ còn lại để bổ sung nguồn vốn lưu động cùng cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai, thanh toán các khoản nợ.
Theo phương án điều chỉnh, doanh nghiệp của "bầu" Đức sẽ dùng gần 347 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành năm 2022. Hơn 253 tỷ đồng dùng để cơ cấu lại nợ cho Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang thông qua hình thức cho vay để thanh toán các khoản nợ vay của đơn vị này tại TPBank.
Phần 700 tỷ đồng còn lại vẫn được giữ nguyên, dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con và thanh toán các khoản nợ.
Như vậy, khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành năm 2022 đã được tăng số tiền trả từ hơn 330 tỷ đồng lên 347 tỷ đồng, tức năng 17 tỷ đồng.
Về thứ tự ưu tiên giải ngân vốn, HAGL cho biết sẽ ưu tiên giải ngân vốn từ đợt chào bán để mua lại trước lại toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu, sau đó sẽ dùng để cơ cấu nợ cho Gia súc Lơ Pang và cuối cùng là bổ sung vốn lưu động, cơ cấu nợ cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai cùng thanh toán các khoản nợ khác.
Trước đó, HAGL cũng đã điều chỉnh danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ. Ông Nguyễn Đức Quân Tùng, là cá nhân duy nhất dự kiến mua 28 triệu cổ phiếu đã rút khỏi danh sách nhà đầu tư và thay thế bởi một cá nhân khác tên là Lê Minh Tâm.
Năm 2023 được nhiều nhà đầu tư ví như là năm "trả nợ" của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai.
Mở đầu là thương vụ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 đường Phù Đổng, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng – đây được xem là một trong những bất động sản cuối cùng còn lại của Tập đoàn.
Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục thông báo chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, mệnh giá 10.000 đồng/cp để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
Và thương vụ gần đây nhất là nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ không còn là công ty liên kết của Tập đoàn.
Tính đến 30/9/2023, tổng nợ phải trả của HAGL vào mức 7.800 tỷ đồng. Còn theo số liệu bầu Đức chia sẻ trong cuộc gặp gỡ cổ đông mới đây, tính đến thời điểm giữa tháng 12/2023, HAGL chỉ còn nợ khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 22.000 tỷ so với mức đỉnh điểm năm 2016.
Để có được con số này, trước năm 2023, bầu Đức đã liên tiếp bán loạt tài sản gồm dự án bất động sản, cổ phiếu HAG, toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện... Lớn nhất trong số này là việc bán cổ phần CTCP HAGL Agrico (HNG) - công ty thành viên lớn nhất trong hệ sinh thái - cho Thaco vào năm 2020.