Bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, HAG 'rút' hoàn toàn khỏi thị trường BĐS?

Trang Mai 14:26 | 03/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ngay số 1 Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai để có tiền trả nợ trái phiếu nhận được khá nhiều quan tâm nhà đầu tư, bởi lẽ khách sạn này là bất động sản “đắc địa” cuối cùng còn lại của bầu Đức.

Dù chưa công bố số tiền cụ thể, nhưng doanh nghiệp cho biết số tiền thu về sẽ ưu tiên thanh toán cho lô trái phiếu HAGLBOND16.26 tại BIDV phát hành năm 2016.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, dư nợ trái phiếu tại BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.271 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế đến ngày 30/9/2023 gần 2.871 tỷ, số tiền gốc chậm thanh toán là 1.157 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ năm 2005, là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior. Nằm ngay trung tâm “phố núi”, nhiều phòng tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có view là quang cảnh ngọn núi hoặc thung lũng.

Với động thái bán bất động sản '"đắc địa" này, bầu Đức đã thể hiện rõ quyết tâm xoá sạch hơn 5.200 tỷ đồng tại BIDV trong cuối năm nay.

Trước toà khách sạn này, Chủ tịch HĐQT HAGL cũng đã nhiều lần phải bán tài sản để trả nợ sau những lần kinh doanh thất bại, nhất là trong mảng cao su. 

Nhìn lại hành trình kinh doanh BĐS của HAGL

HAGL đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường bất động sản vào năm 2002 khi thành lập công ty con là CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh. 

Đến năm 2004, HAGL đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; năm 2005 khai trương hoạt động HAGL Resort Đà Lạt và năm 2006 khai trương hoạt động HAGL Hotel Pleiku, bàn giao Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương tại TP.HCM (HAGL chính chính thức chuyển sang hình thức công ty CP vào năm này với vốn điều lệ là 296 tỷ đồng).

Những năm sau đó, HAGL tung ra hàng loạt dự án bất động sản và lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Nhờ lợi thế quỹ đất đã mua từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2006-2012, BĐS trở thành lĩnh vực chủ lực của HAGL. Đỉnh cao nhất là vào năm 2009 với 4 dự án chính đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House mang về doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.

Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn có nhiều dự án ở các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Không chỉ vậy, HAGL còn đầu tư ra cả nước ngoài với dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được khởi công năm 2013. Thời điểm đó, bầu Đức cho biết HAGL Myanmar Center là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất, hoành tráng nhất của HAGL cho đến lúc đó. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu về khách sạn, nhà ở và văn phòng cho thuê hiện đang nóng lên từng ngày tại TP Yangon. 

Loạt dự án trăm tỷ dần được bán 

Từ năm 2010, khi ngành bất động sản gặp khó khăn, HAGL đã bán chi nhánh khu nghỉ dưỡng HAGL Resort Quy Nhơn cho bên thứ ba với giá bán là 175 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi ròng 99,2 tỷ đồng.

Đến năm 2012, HAGL hoàn tất bán HAGL Resort Đà Lạt. Thương vụ này không được công bố rộng rãi, nhưng BCTC năm này ghi nhận HAGL Resort Đà Lạt dưới dạng khoản đầu tư ngắn hạn trị giá 81,8 tỷ đồng (đã được chấp thuận để thanh lý cho một bên thứ ba nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý).

2019: Bán HAGL Myanmar centre cho Thaco, rút khỏi BĐS. Đây là dự án mang dấu ấn lớn của HAGL khi đổ vốn đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, HAGL đã “buông tay” khi BĐS dần đi xuống. Cụ thể, sau hợp tác chiến lược giữa HAGL và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) vào tháng 8/2018, HAGL đã nhượng lại 65% dự án này cho Công ty Đầu tư Xây dựng Đại Quang Minh - doanh nghiệp chuyên làm bất động sản của Thaco.

Đến tháng 9/2019, HAGL chuyển nhượng nốt toàn bộ 196,3 triệu cổ phần, tương ứng 47,93% vốn điều lệ HAGL Land - công ty quản lý mảng BĐS của HAGL với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar Center cho Công ty Đầu tư Xây dựng Đại Quang Minh.

HAGL Land là công ty quản lý mảng bất động sản của HAGL với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar tại thành phố Yangoon, Myanmar. Đây cũng là dự án bất động sản cuối cùng của HAGL. Như vậy với việc hoàn tất bán hết số cổ phần còn lại, công ty của bầu Đức đã rút hoàn toàn khỏi mảng BĐS.

Cũng trong năm 2019, HAGL cũng không còn đầu tư vào mảng thuỷ điện. Tại BCTC hợp nhất quý III/2019, HAGL vẫn còn nắm 99,4% vốn điều lệ của CTCP Thuỷ điện HAGL (công ty con), tương đương 248,5 triệu cổ phần. Giá trị gốc của khoản đầu tư này là 2.532 tỷ đồng, trong đó Công ty đã trích lập dự phòng 754,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong BCTC quý IV/2019 đã không còn ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con này, giá trị cũng không được công bố. 

 BCTC hợp nhất quý III/2019 của HAGL. Ảnh chụp màn hình

 BCTC hợp nhất quý IV/2019 của HAGL. Ảnh chụp màn hình

Năm 2021, sau thời gian “lao đao” vì đầu tư cao su, cọ dầu, HAGL đã bán HAGL Agrico cho Thaco. Sau đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico ngày 8/1/2021, Công ty Thaco đã chính thức tiếp quản HAGL Agrico. Đồng thời, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco, trở thành chủ tịch của HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức là Phó Chủ tịch.

Cũng trong đại hội cổ đông bất thường đầu năm 2021, HAGL Agrico đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 7.414 tỷ đồng, thông qua phát hành thêm 7,4 triệu cổ phiếu cho Thagrico (Công ty nông nghiệp của Thaco) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt phát hành này, cơ cấu các nhóm cổ đông như sau: Thaco Group và gia đình ông Trần Bá Dương là: 63,08%; HAGL Group là: 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.

Trước đó, Hội đồng quản trị HAGL Agrico đã quyết định chuyển nhượng 4 công ty với tổng diện tích 20.744 ha (gồm Công ty An Đông Mia, Công ty Hoàng Anh Quang Minh sở hữu 17.305 ha tại Campuchia và Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Bò sữa Tây Nguyên sở hữu 3.439ha tại Việt Nam) cho Thagrico với giá 9.095 tỷ đồng và số tiền thu về được là 6.500 tỷ đồng.

Về phía HAGL, hiện nay, công ty vẫn tiếp tục chiến lược phát triển tập trung “1 cây 1 con” (cây chuối và con heo). Gần đây, tập đoàn đã đầu tư thêm vào sầu riêng và đã thu hoạch xong mùa vụ đầu tiên. Ngoài mảng nông nghiệp, HAGL còn hai mảng khác là bệnh viện HAGL và đội bóng HAGL.