Sàn thương mại điện tử nội bị "hụt hơi" ngay trên sân nhà

23:18 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê, các doanh nghiệp thương mại điện tử ngoại như Shopee và Lazada đều ghi nhận mức tăng trưởng về lượng truy cập so với các sàn nội.

Theo đó, các báo cáo mới nhất của iPrice Group và SimilarWeb thì Shopee VN đã có quý thứ 12 liên tiếp dẫn đầu về lượng truy cập website với 73 triệu lượt truy cập trong quý 2/2021, tăng 9,2 triệu lượt so với quý trước đó.

Sau nhiều quý liên tiếp duy trì khả năng bám đuổi, Lazada đã vươn lên hạng 2. Lượng truy cập website trung bình tăng 14% so với hồi quý 1 năm 2021. 

Ở chiều ngược lại, hai doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa là thuộc top 4 sàn trực tuyến đa ngành là Tiki và Sendo đều sụt giảm lần lượt 10% và 3%. Đáng chú ý, trong thời điểm quý 2 thì các sàn thương mại điện tử vẫn chưa ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp siết chặt giãn cách như trong quý 3. Do đó, tình cảnh khó khăn hơn cho doanh nghiệp Việt trong những tháng tiếp theo có thể dự đoán trước. 

Vậy các doanh nghiệp nội đang gặp những khó khăn gì? 

Đầu tiên, đó chính là khó khăn trong khâu vận chuyển. Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sàn Thương mại điện tử Sendo thì hầu hết các hàng hóa về thương mại nói chung đều gặp khó ở khâu vận chuyển. Giao vận trong thành phố đã khó tình trạng này tiếp tục diễn ra khi vận chuyển liên tỉnh. Cứ qua mỗi tỉnh, thành, chính sách lại thay đổi, không nhất quán. 

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử trong nước luôn gặp khó khăn trong vấn đề vốn. Đầu tháng 8 vừa qua, chỉ Tiki đã hoàn tất thành lập pháp nhân tại Singapore với mục tiêu gọi vốn thuận lợi hơn bằng hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO. 

Trong khi các doanh nghiệp ngoại với lợi thế có sẵn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ, dường như ít chịu ảnh hưởng hơn khi nền kinh tế xấu đi vì dịch bệnh. Ví dụ như Lazada, tập đoàn này cho biết đã xây dựng được một trong những cơ sở hạ tầng về giao vận lớn nhất tại Đông Nam Á, bao gồm hơn 400 cơ sở tại khu vực. Hơn 85% tổng số kiện hàng vận chuyển từ nhà bán đến công ty giao hàng được thực hiện bởi hệ thống logistics của riêng doanh nghiệp. 

Cần làm gì để gia tăng sức cạnh tranh trong những tháng cuối năm? 

Theo báo cáo thị trường trong quý 2 từ bộ phận nghiên cứu iPrice, ngành bán lẻ trực tuyến đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến khi lượt tìm kiếm tăng hơn 220% so với trước.

Trong hai tháng 7 và 8 vừa qua khi nhà nước tăng cường các biện pháp siết chặt thì nhu cầu hàng thực phẩm tươi sống phân phối qua thương mại điện tử ở mức cao chưa từng có, lên đến cả ngàn tấn hàng hóa. Các sàn trực tuyến của các tập đoàn bưu chính lớn, vốn có sẵn mạng lưới bưu điện, giao vận ở hầu hết các tỉnh, thành sẽ có thể làm tốt nhất.

Theo giới quan sát, đây là lợi thế nhóm doanh nghiệp nội có thể tiếp tục khai thác để nâng cao sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp nội sẽ cần phải cố gắng thật nhiều hơn nữa. Bởi trước đây khi cạnh tranh sòng phẳng thì nhiều sàn TMĐT đã ghi nhận lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng trong cuộc cạnh tranh thị phần, nên khó khăn bởi dịch bệnh trước mắt thì nguy cơ bị tụt hậu ngày càng xa với DN ngoại đang dần thành hiện thực. 

Bất ngờ cái tên Bách Hóa Xanh

Đáng chú ý, quý 1 và 2/2021 đánh dấu chuỗi bán lẻ thực phẩm lần đầu tiên đứng chung Top 5 với các website Thương mại điện tử (TMĐT) được truy cập nhiều nhất Việt Nam: Bách hóa Xanh - theo dữ liệu từ iPrice. Còn theo  SimilarWeb, trong ngành bán lẻ thực phẩm, Bách hóa Xanh gần như vượt trội so với đối thủ khác khi trong tháng 8 của chuỗi này đạt 8,5 triệu, cao gấp từ 10 – 60 lần các nhà bán lẻ khác, chỉ từ 130.000 đến 720.000 lượt.

Bất ngờ cái tên Bách Hóa Xanh, với lợi thế công nghệ đang dần vươn lên trở thành sàn TMĐT hàng đầu. Theo iPrice

Tiết lộ từ đại diện nhà bán lẻ này thì lượt truy cập những ngày đầu tháng 9 đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. So sánh nửa đầu năm 2021 con số chỉ dừng ở mức hơn 200.000 lượt/ngày thì đến đầu tháng 09/2021, trung bình lượt truy cập đã tăng khủng hơn 3 lần. Đỉnh cao Bách Hóa Xanh đã ghi nhận lượng truy cập hơn 700.000 lượt/ngày.

Đồng thời, lượng đặt hàng trên website cũng tăng phi mã từ hơn 7.400 đơn/ngày lên 63.000 đơn/ngày, vượt gấp 850% trước đó. Nếu tiếp tục duy trì phong độ 600.000 – 700.000 lượt/ngày trong suốt tháng 09/2021, thì trang web của chuỗi bán lẻ này dự tính sẽ đạt đến 20 triệu lượt truy cập/tháng. 

Bí quyết của Bách Hóa Xanh chính là nhanh chóng  hoàn thiện toàn bộ link mua hàng cho gần 2.000 nhóm Zalo – đại diện cho mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trên hệ thống. Mỗi nhóm giúp kết nối với người dân trong bán kính 2-3km xung quanh siêu thị. Thông qua các link được nhúng ngay trong nhóm, khách hàng dễ dàng lựa chọn hàng hóa khi biết được tồn kho tại siêu thị gần mình. Mọi quy trình đều tự động hóa với thao tác đơn giản, thuận tiện cho cả người mua lẫn nhân viên soạn hàng. Nhờ đó, hệ thống tiếp cận tới 1.3 triệu tài khoản và phục vụ gần 60.000 đơn hàng mỗi ngày. 

Ngoài ra, chuỗi cửa hàng này cũng thường xuyên cải tiến website, nâng cấp trải nghiệm khách hàng. Lần đổi mới giao diện website đề cao tiêu chí cho bà nội trợ thao tác đã mang lại đột phá lớn. Như lời của ông Trần Kinh Doanh – Chủ tịch Bách hóa Xanh từng chia sẻ "Chúng tôi không phải người khai mở nhưng sẽ làm trọn vẹn nhất thị trường mảng tạp hóa trực tuyến này", đủ để thấy tham vọng của doanh nghiệp là lớn ra sao trong mảng kinh doanh trực tuyến vốn đang ngày càng chật chội này.