Singapore dẫn đầu nhà đầu tư ngoại ‘rót’ vốn FDI vào Việt Nam

Đông Bắc 15:05 | 28/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thêm 1,91 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong tháng 8/2023 đã nâng tổng vốn FDI 8 tháng lên 18,15 tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Singapore là quốc gia dẫn đầu rót vốn ngoại vào Việt Nam.

  

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng  vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, sau 7 tháng đầu năm đã có 16,24 tỷ USD vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam.

Sau 8 tháng đầu năm có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn so với cùng kỳ. Đồng thời, có 2.268 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 4,47 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt giao dịch và tăng 62,8% về số vốn so với cùng kỳ.

 Việt Nam nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Singapore. Ảnh BĐT.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tổng vốn FDI đầu tư đăng ký tiếp tục duy trì mức tăng (tăng 8,2% so với cùng kỳ) và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %). Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ.

Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính - ngân hàng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần) và gần 800 triệu USD (tăng 28,9%). Còn lại là các ngành khác.

Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với gần 3.031 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 70,3 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước (sử dụng trên 7.000 héc- ta đất, thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hơn 312.000 lao động).

Hiện tại, Singapore vẫn là quốc gia có nguồn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất kể từ năm 2020. Gần nhất, năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD (chiếm 23,3%).

Thời gian qua, các nhà đầu tư Singapore có nhiều dự án lớn, vốn hàng tỷ USD vào Việt Nam. Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu được UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 1/2020, được xem là dự án năng lượng có nguồn vốn FDI "khủng" nhất miền Tây. Dự án có công suất 3.200MW, do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I và Long An II đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có tổng mức đầu tư khoảng 3,13 tỷ USD do Công ty Vinacapital GS Energy PTE. LTD (Singapore) và GS Energy (Hàn Quốc) làm nhà đầu tư.

Tháng 7 vừa qua, đoàn 25  doanh nghiệp Singapore đã tới Việt để tìm hiểu về cơ hội đầu tư kinh doanh, trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore.

 Biểu đồ Đông Bắc TH (nguồn:  Bộ KH&ĐT). 

Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,...

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương,…

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tính tới 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm.