Sở GTVT TP.HCM đề ra loạt giải pháp hỗ trợ vận hành Metro Số 1 vào cuối năm 2021

18:33 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP HCM 8 giải pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực nhằm hỗ trợ vận hành khi khai thác tuyến Metro Số 1.
Theo VnExpress, Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM kế hoạch triển khai các công tác để khai thác hiệu quả khi Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành cuối năm sau. Trong số này, Sở đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ vận hành khi tuyến Metro Số 1 đi vào hoạt động.
 
Thứ nhất, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư xây dựng tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 để hỗ trợ kết nối cho Metro Số 1. Dự kiến, tuyến buýt đầu tư hoàn thành năm 2022, phục vụ khách đi lại thuận tiện giữa hai loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này.
 
Loạt giải pháp hỗ trợ vận hành Metro Số 1 vào cuối năm 2021
Đoàn tàu tuyến metro số 1 được vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam

Ngoài tuyến buýt nhanh, cơ quan chức năng đang nghiên cứu mạng lưới xe buýt dọc tuyến metro. Cuối năm 2020, Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định và dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư dự án tăng khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến buýt kết nối Metro Số 1. Trung tâm quản lý giao thông công cộng (chủ đầu tư) sau đó sẽ nghiên cứu để đổi mới mạng lưới xe buýt dọc tuyến metro, đảm bảo kết nối khi dự án vận hành thương mại. Việc tổ chức hệ thống buýt sẽ hoàn thành cuối năm 2021.
 
Giải pháp thứ hai là liên thông hệ thống thẻ vé. Metro Số 1 sử dụng vé điện tử thông minh và sẽ kết nối dùng chung với các tuyến metro sau này cũng như loại hình giao thông công cộng khác tại thành phố. Hệ thống thẻ vé này dự kiến hoàn thành liên thông vào năm 2022, sau đó được cập nhật theo thực tế.

Trước đó, ngày 6/11, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) gửi UBND TP HCM về việc triển khai hệ thống thu phí tự động (AFC) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và các tuyến metro khác của TP.
 
Loạt giải pháp hỗ trợ vận hành Metro Số 1 vào cuối năm 2021
Hình ảnh bên trong toa tàu tuyến metro số 1

Theo đó, hệ thống thu phí tự động của metro số 1 thuộc gói thầu CP3 (thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray...). Hệ thống gồm nhiều hạng mục như cổng soát vé, máy điều chỉnh giá vé, thiết bị đầu cuối cho nhân viên nhà ga; máy chủ; thiết bị mạng; máy phát hành và tái chế vé; thiết bị quản lý tiền mặt...

Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống này chưa đa dạng hình thức nạp tiền, mua vé do chỉ phục vụ qua máy bán vé tự động hoặc tại quầy ở ga; chưa hỗ trợ qua ATM, thẻ tín dụng, các loại ví điện tử.
 
Thứ ba, Sở Giao thông Vận tải đang lên phương án tổ chức giao thông dọc Metro Số 1. Sở đang tiến hành rà soát hiện trạng, cập nhật các dự án xung quanh để xây dựng kế hoạch nối kết đồng bộ. Trong đó, dọc tuyến metro sẽ xây dựng các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt... giúp khách thuận tiện chuyển đổi phương tiện đi lại. Nội dung này dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy mô, xây dựng các đồ án, quy hoạch chi tiết... đô thị xung quanh ga Metro Số 1 phát triển theo định hướng phục vụ giao thông.

UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy mô, xây dựng các đồ án, quy hoạch chi tiết... Hiện trạng sử dụng đất xung quanh các ga Metro Số 1 trong bán kính từ 500-800 m cũng được nghiên cứu để lên giải pháp quy hoạch, phương án kết nối... Nội dung này sẽ hoàn thành bước đầu trong quý 3/2021.
 
Giải pháp thứ tư để tăng thu cho Metro Số 1 khi đưa vào vận hành đó là kinh doanh ngoài vé. Cơ quan chức năng dự kiến các khu đất xung quanh ga metro và dịch vụ trong nhà ga sẽ được tính toán khai thác theo đúng giá trị. Hiện, Ban quản lý đường sắt đô thị được giao nghiên cứu để đề xuất cơ chế đặc thù khuyến khích nhà đầu tư, phát triển dịch vụ...
 
Ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó xây dựng phần mềm mới là giải pháp thực hiện liên tục để hỗ trợ quản lý, vận hành, phục vụ khách... cho Metro Số 1.
 
Cuối cùng, giải pháp xây dựng các công trình kết hợp nhiều loại hình kinh doanh xung quanh nhà ga Metro Số 1 để tăng các tiện ích, thu hút khách đi metro. Ngoài những giải pháp nói trên, việc nghiệm thu, bàn giao công trình và tiếp nhận vận hành cũng được lên kế hoạch để chuẩn cho việc khai thác tuyến.
 
Metro Số 1 tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km trên cao. Dự án hiện đạt hơn 78% và TP HCM đặt mục tiêu khai thác cuối năm 2021.
 

Hà Ly