Tận dụng trợ lực chính sách, nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội

Thu Hằng (TTXVN) 09:34 | 01/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được phê duyệt, mục tiêu đặt ra cho phát triển nhà ở xã hội đã khá rõ ràng.

Đà Nẵng có 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 4.500 căn hộ đang triển khai xây dựng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Cả nước phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tổng số 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cơ chế chính sách đã rộng mở với những ưu đãi, khuyến khích nhất định được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở này. Đây cũng là việc tận dụng hiệu quả trợ lực từ chính sách trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung còn nhiều khó khăn.

Điển hình là thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước được chỉ định triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đây là một trong những nỗ lực được nhiều người dân và cả doanh nghiệp trông đợi.

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes cho biết, phát triển nhà ở xã hội thương hiệu Happy Home tiếp tục là một trong những trọng tâm phát triển của Vinhomes. Với mục tiêu kiến tạo những khu đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng sống và làm thay đổi quan niệm về nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội và kinh tế tại các địa phương.

Thương hiệu nhà ở xã hội Happy Home lần đầu được Vinhomes công bố vào Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Trong năm 2022, Vinhomes cũng chính thức tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home với các dự án đã được động thổ tại Thanh Hóa, Quảng Trị.

Theo Vinhomes, nhà ở xã hội Happy Home được triển khai theo mô hình "full tiện ích", có quy mô 50 - 60 ha trở lên và được triển khai tại vùng ven của các tỉnh, thành phố lớn - nơi đang "khát" nhà ở cho lao động thu nhập thấp - như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Sau khi động thổ 2 dự án tại Thanh Hóa và Quảng Trị, năm 2023 Vinhomes sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa.

Cùng đó, ông Trần Ngọc Xuân CEO Tập đoàn Nam Long cũng cho biết, năm 2023, doanh nghiệp này ưu tiên phát triển dòng sản phẩm bất động sản vừa túi tiền, phù hợp với nhu cầu thị trường và xây dựng chính sách hỗ trợ người mua nhà.

Đáng chú ý, Tập đoàn Nam Long sẽ tham gia thị trường nhà ở xã hội với cam kết đóng góp hơn 20.000 căn hộ. Ngay trong quý II/2023, Nam Long cũng triển khai mở bán dự án nhà ở xã hội EhomeS tại Cần Thơ với giá bán 520 triệu đồng/căn. Năm 2023, doanh nghiệp này có kế hoạch mở bán một số dự án nhà ở xã hội như Ehome S Nguyên Sơn, Ehome Southgate, Ehome Cần Thơ và Ehome ở Hải Phòng (dự kiến mở bán vào cuối năm).

Cũng đặt trọng tâm phát triển trong năm 2023 là hướng đến phân khúc nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Địa ốc Hoàng Quân cho biết, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội, hưởng ứng đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ.

Mục tiêu của Hoàng Quân là hoàn thành khoảng 50.000 sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến năm 2030. Năm 2023 - 2030, Hoàng Quân đề xuất Chính phủ cho phép làm 50.000 căn nhà ở xã hội.

Hiện Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Ngay như Nghị quyết 33 đặt ra mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản; trong đó, Chính phủ cũng yêu cầu ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp thì nhà ở xã hội chính chính là “lối thoát” tối ưu cho doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng hướng đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá bình dân phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực. Đây chính là sử dụng hiệu quả trợ lực từ chính sách, tạo sự cân bằng và ổn định lại thị trường.