Tạo cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng

08:37 | 15/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo EVN, Bộ Công Thương đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55.
Phát biểu tại tọa đàm “Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống: Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch" mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. Do đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực.
Tạo cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng - ảnh 1
 Tọa đàm “Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống: Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch".
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường. Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành Điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.
Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho hay tư nhân và Nhà nước phải gắn liền quyền lợi với nhau. Việc Trung Nam đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và cả EVN. Đây là điểm mới và khơi thông được một phần nhỏ tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Vì vậy, việc tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án. Bởi các doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt, còn đối với EVN, một đồng cũng là của Nhà nước. Tư nhân đầu tư, khi hoàn thành có thể EVN/EVNNPT vận hành.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng, để truyền tải đường dây xuyên quốc gia với tư nhân phải nói là việc quá lớn; còn truyền tải trong phạm vi hẹp, tư nhân có thể thực hiện tốt. Cần có cơ chế để thúc đẩy vấn đề này…
Tạo cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng - ảnh 2
 Tạo cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đối với lưới điện truyền tải, Nhà nước cần giữ quyền quản lý vận hành đối với các đường dây xương sống, các trục truyền tải chính để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc xã hội hóa đầu tư lưới điện nên áp dụng đối với các nhánh rẽ đấu nối nhà máy điện của các chủ đầu tư để vừa giảm áp lực tài chính cho EVN, vừa đảm bảo đồng bộ tiến độ vận hành nguồn, lưới điện. Sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực, để có cơ sở tách bạch phạm vi khu vực nào doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khu vực nào do vẫn doanh nghiệp nhà nước đầu tư, vận hành…
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, đánh giá về việc phát triển lưới điện thông minh, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết hệ thống điện Việt Nam hiện nay là một hệ thống điện lớn, với tổng công suất nguồn điện đạt khoảng 55.000 MW, quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Yếu tố quan trọng nhất để vận hành an toàn, bền vững hệ thống điện là nguồn điện có đủ dự phòng và đảm bảo tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là lưới điện truyền tải.
Ông Nguyễn Tài Anh cho biết thêm, hiện nay, việc xây dựng hệ thống điện thông minh đang là xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 và Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam được Bộ Công Thương đã phê duyệt ngày 25/11/2016; trong đó, có nhiều đề án thành phần, và EVN đang triển khai theo sát các mục tiêu đề án đề ra.
Đối với các khu vực phụ tải quan trọng, EVN đã cơ bản hoàn thành xây dựng các mạch vòng 500 kV để cung cấp điện cho lưới truyền tải 220 kV và lưới điện phân phối 110 kV với mục tiêu đáp ứng tiêu chí N-1 (đảm bảo cung cấp điện trong trường hợp xảy ra sự cố 1 phần tử trên lưới). Đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng (trung tâm chính trị, sân bay,…) ngoài mức độ dự phòng cao của lưới điện còn được trang bị hệ thống máy phát điện tại chỗ để đáp ứng yêu cầu liên tục cung cấp điện.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện đòi hỏi lượng vốn rất lớn. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/thành phố được phê duyệt, EVN sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ với nguồn điện, lưới điện để nâng cao năng lực truyền tải và nâng cao khả năng cung cấp điện, đặc biệt cho các vùng phụ tải quan trọng và đặc biệt quan trọng như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.