Thanh Hóa: Đầu tư hơn 43 tỷ đồng xây dựng bến cá rồi… bỏ hoang
Cảng cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) luôn trong tình trạng hoang vắng, lãng phí
Nhiều bất cập
Ngày 17/1/2017, Dự án Nâng cấp cảng cá Hoằng Phụ đã được khởi công xây dựng theo gói thầu 29-Xl/CRSD-TH: Xây lắp và bảo hiểm xây dựng các hạng mục bổ sung (Bờ bao kéo dài, đường quản lý kết hợp thi công, cống trên bờ bao, trồng cây phi lao bãi cát trước bến) với quy mô khá khang trang và nhiều công năng sử dụng.
Trong đó, dự án điều chỉnh bờ bao khu nước trước bến (bờ tả) với việc bổ sung nối kéo dài bờ bao phía nam, dài L=323,0 m; chiều rộng đỉnh là 4,0 m; mái ngoài (phía sông Mã) là 2,0 m. Dự án cũng điều chỉnh kéo dài tuyến đường quản lý kết hợp thi công từ cổng trạm thủy văn ra đến bờ sông Mã với việc bổ sung kéo dài đường quản lý kết hợp thi công từ cổng trạm thủy văn ra đến bờ sông Mã (bến đò).
Ngoài ra, việc triển khai dự án còn có bổ sung trồng cây phi lao bãi cát trước bến và bổ sung một cống thoát nước tại KO+108 thuộc bờ bao bên hữu (phía bắc bến cá); bổ sung gia cố 60 m mặt đường cuối đường tỉnh lộ 510B và hệ thống cống, rãnh thoát nước; bổ sung kéo dài tuyến đường vào bến cá, từ đầu tuyến đường quản lý kết hợp thi công trở vào phía tuyến đường huyện nối với đường tỉnh 510B. Ngoài ra còn nhiều hạng mục khác được đầu tư xây dựng như cống qua đường, hố ga, rãnh thoát nước… Sau khi hoàn thành, công trình đã được bàn giao cho UBND huyện Hoằng Hóa và UBND xã Hoằng Phụ quản lý, khai thác.
Khu vực trung tâm của cảng cá được xây dựng khang trang để người dân bày bán hải sản, tuy nhiên, luôn trong tình trạng "chùa bà đanh"
Cảng cá Hoằng Phụ được kỳ vọng sau khi đưa vào sử dụng sẽ phát huy được công năng, trở thành nơi tránh trú bão an toàn cho tàu, thuyền, bè của người dân xã Hoằng Phụ, đồng thời trở thành điểm trung chuyển, giao thương nguồn lợi hải sản đánh bắt được giữa chủ tàu, thuyền, bè và thương lái.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác, sử dụng đến thời điểm hiện tại, cảng cá luôn rơi vào tình trạng hoang vắng, không phát huy được công năng. Các hạng mục công trình theo thời gian bị xuống cấp gây lãng phí tài sản công, khiến người dân không khỏi xót xa.
Ông Nguyễn Văn Huy, 55 tuổi, người dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, cho biết: “Cả một công trình lớn, quy mô như vậy nhưng không mang lại lợi ích gì cho người dân trong suốt 4 năm qua, thật lãng phí. Nhìn cảnh bến cá xuống cấp mà chúng tôi không khỏi xót xa, cứ tình trạng này thì chẳng mấy chốc lại phải phá bỏ, xây mới?!”.
Nhiều công trình của cảng cá đã xuống cấp nghiêm trọng
Cần chuyển đổi mô hình quản lý
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cho biết: “Nhiều yếu tố khiến cảng cá không đủ điều kiện hoạt động. Chẳng hạn như: Hậu cần nghề cá, xăng dầu, cùng với sự bồi lắng lòng sông… Mặt khác, mô hình quản lí cũ cũng khiến cảng cá chưa thể phát huy được hết công năng, mục đích sử dụng.
Trước tình trạng cảng cá xuống cấp nghiêm trọng, UBND huyện Hoằng Hóa đã nhiều lần về kiểm tra và định giá tài sản, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá. Hiện, xã vẫn đang trông coi theo bàn giao của huyện”.
Nhà điều hành luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài"
Theo tìm hiểu của Phóng viến, để tiếp tục duy trì công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và có nguồn kinh phí bảo trì cảng cá Hoằng Phụ, đồng thời phát huy hiệu quả sau đầu tư, UBND huyện Hoằng Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị xin chuyển đổi đơn vị quản lý bến cá từ Ban quản lý cảng cá Hoằng Phụ sang doanh nghiệp quản lý.
Trong đó, nguyên nhân được chính quyền địa phương đưa ra là do không thu được lệ phí bến, ngân sách xã chưa cân đối được kinh phí, nên cán bộ quản lý kiêm nhiệm, người lao động hợp đồng bỏ việc. Mặt khác luồng lạch vào cảng cá lâu ngày chưa nạo hút cát làm khó khăn và hạn chế số lượng tàu ra vào.
Ngày 17/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Kết luận số: 4608/UBND-NN về vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác cảng cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chấp thuận chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, thu hút doanh nghiệp vào khai thác, sử dụng cảng cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, và tiếp tục đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình của cảng cá.
UBND huyện Hoằng Hóa được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước công việc đánh giá, xác định giá trị tài sản, xây dựng đề án, tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư... theo quy định hiện hành của pháp luật.
Người dân còn tranh thủ sự hoang vắng của cảng cá để đổ trộm phế phẩm hải sản
Tuy nhiên, đã hơn 2 năm trôi qua, công tác thẩm định tài sản vẫn hết sức “ì ạch”. Lý giải cho điều này, Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho hay: “Vì đây là tài sản công của Nhà nước nên công tác thẩm định tài sản phải hết sức cẩn thận, chặt chẽ. Việc lên kế hoạch tài chính cũng như phương án đấu thầu, mời nhà đầu tư vào cũng vậy, không thể làm qua loa, gấp rút được”.
Thời điểm hiện tại cảng cá Hoằng Phụ chỉ có vài thuyền nhỏ địa phương tới neo đậu, các hạng mục công trình thì xuống cấp từng ngày
Việc lên kế hoạch “giải cứu” cảng cá Hoằng Phụ phải làm một cách thận trọng, trách nhiệm là đúng. Tuy nhiên, trước sự xuống cấm nghiêm trọng của công trình, hy vọng, UBND huyện Hoằng Hóa sớm mời gọi được doanh nghiệp có đủ năng lực, trách nhiệm vào nhận thầu, quản lý cảng cá Hoằng Phụ, để công trình khai thác được hiệu quả hơn, tránh tình trạng lãng phí kéo dài!
Nguyễn Trường - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Cận cảnh Dự án đắp chiếu nhiều năm trên `đất vàng` ở Hà Tĩnh