Thanh Hoá sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?
Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp có nhiệm vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai các kế hoạch, thông qua phương án sản xuất, kinh doanh và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh được xuyên suốt, liên tục với nguyên tắc “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ban Chỉ đạo cũng chủ động nắm bắt tình hình, thống nhất chủ trương về phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa trong tình hình mới; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp vừa duy trì sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 an toàn.
Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để chủ động, linh hoạt giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của từng cơ quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để báo cáo, đề xuất hướng xử lý nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan cung cấp các thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền từng cơ quan, đơn vị, mời lãnh đạo của cơ quan Trung ương, đơn vị liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Năm 2021, là năm thứ 2 đầy khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, với sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID - 19 tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp Thanh Hoá nói riêng. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hoá đã, đang và sẽ tập trung đổi mới trong tiếp cận vấn đề, phương thức làm việc và cách thức chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, quyết tâm cao, đổi mới cách thức thu hút đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhấn mạnh, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh. Do vậy, các cấp chính quyền, các sở, ngành phải thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.
Cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá luôn đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiểu biết pháp luật, phối hợp chặt chẽ với chính quyền để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển. Các đại biểu doanh nghiệp đã rất thẳng thắn nêu lên các khó khăn, vướng mắc, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất và có thể là ý kiến đánh giá của mình đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong bộ máy chính quyền của tỉnh Thanh Hóa.