Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, thực hiện công tác bảo đảm hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc mua sắm chung gặp những khó khăn như: Dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, tại một số thời điểm một số mặt hàng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm rất khó khăn về nguồn cung; giá hàng hóa tăng cao đột biến cho nên khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức mua sắm; hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine,... phải nhập khẩu dẫn tới chưa kịp thời, bị động, chi phí cao; một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”; có tâm lý e ngại, không chủ động thực hiện mua sắm;...
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành và đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các quy định tạo điều kiện cho việc nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm nguồn cung; thực hiện công khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, yêu cầu các doanh nghiệp công khai giá bán...
Bộ Y tế và các địa phương, đơn vị đã vận động, huy động các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước hỗ trợ vật tư, thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Về mua sắm tại Bộ Y tế, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dự toán kinh phí cho Bộ Y tế để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch là 3.744,1 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí đã sử dụng là 474,3 tỷ đồng, đạt 12,6%. Cùng với việc tổ chức mua sắm, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã huy động viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù số lượng mua sắm từ nguồn ngân sách còn thấp, nhưng với các nguồn viện trợ, tài trợ đã góp phần quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm hậu cần phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng gặp một số vướng mắc trong việc mua sắm qua UNDP, mua sắm từ nhà sản xuất nước ngoài,... qua đó, Bộ Y tế đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ trong công tác mua sắm vật tư trang thiết bị y tế phù hợp với tình hình thực tế thời gian tới.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chia sẻ với những vất vả, khó khăn của Bộ Y tế trong thời gian qua. Các ý kiến cũng nhấn mạnh cơ chế pháp lý phục vụ mua sắm trang thiết bị cơ bản đã có đầy đủ; các đơn vị sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, đại diện các cơ quan đề nghị Bộ Y tế cần căn cứ vào kịch bản dịch bệnh, tình hình thực tế, tính toán kỹ lưỡng, sớm tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế; phân loại rõ loại vật tư, trang thiết bị nào có thể mua sắm tập trung, loại nào các địa phương phải chủ động chuẩn bị, trên cơ sở đó tổ chức mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến của phát biểu của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Y tế, thời gian qua dù bận nhiều công việc chống dịch, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau (mua trực tiếp, vận động tài trợ) đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung ứng vật tư, trang thiết bị y tế, sinh phẩm,... qua đó đã góp phần rất tích cực vào công tác chống dịch vừa qua.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có hướng dẫn, mở ra những cơ chế thoáng hơn, nhưng có lúc, có nơi, việc đảm bảo yêu cầu về trang bị, vật tư, y tế, sinh phẩm,... theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là trong thời điểm căng thẳng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, tồn tại này là do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do công tác tổ chức thực thi mua sắm chưa được thực hiện tốt, cả ở bộ và ở các địa phương.
Bên cạnh đó, việc mua sắm cũng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan là vật tư y tế, sinh phẩm trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nguồn cung khan hiếm,... một số sinh phẩm, sản phẩm mới, thời điểm dịch vừa bùng phát, do khan hiếm nên giá cả rất cao, nhất là mặt hàng kit xét nghiệm, đến thời điểm hiện nay, giá đã giảm, do có nhiều nhà cung cấp với nhiều chủng loại, chất lượng... Do dư luận tiếp cận chưa đầy đủ, hiểu chưa đầy đủ nên đã có phản ứng trái chiều. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá và công tác mua sắm.
Bên cạnh đó, một số quy định về pháp luật cũng chưa đầy đủ, tuy nhiên với cơ chế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tổ chức mua sắm kịp thời, đầy đủ.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức, khi lập kế hoạch, kể cả về kinh phí, trang bị, phục vụ các phương án phòng chống dịch theo các kịch bản của Bộ Y tế có lúc còn chưa sát với tình hình thực tế, dẫn đến việc tổ chức triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp vướng mắc....
Thời gian vừa qua, cơ bản các đồng chí đã làm tốt, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần phải khắc phục đáp ứng điều kiện đất nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh mới, khi chiến lược chống dịch đã thay đổi (theo Nghị quyết 128/NQ-CP), cả về công tác chuyên môn, hậu cần cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, căn cứ vào quy định mới, Bộ Y tế tính toán nhu cầu về trang thiết bị y tế, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian sắp tới, sát với tình hình ở cả cấp Trung ương, địa phương; nguồn kinh phí; xác định rõ loại thiết bị nào có thể sử dụng lâu dài, thiết bị nào cần phải mua ngay, loại nào khi dịch có dấu hiệu bùng phát có thể đặt hàng kịp thời...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải rà soát, thống kê, tính toán chi tiết nhu cầu tổng thể về số lượng vật tư, trang thiết bị y tế cần mua mới để tổ chức mua sắm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cả ở trung ương, địa phương, cả nhu cầu trước mắt và lâu dài,... để mua sắm, sử dụng hiệu quả.
Với kinh phí đã phân bổ cho Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương, phải tính toán chi tiết. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, cân đối, bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, chủ động, hiệu quả.
Về việc tổ chức mua sắm, pháp luật đã quy định, mô hình thực tiễn cũng đã có, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, Bộ Y tế chủ động đề xuất cụ thể với cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong vòng 10 ngày nữa, Bộ Y tế phải tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế,... theo đúng kịch bản phòng, chống dịch bệnh đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Trước đó, chiều ngày 21/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giá vật tư, dịch vụ y tế. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kết luận như sau:
Trong thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến việc nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Thực tế cho thấy: Có nhiều đơn vị nhập khẩu kít, sinh phẩm xét nghiệm; giá kít, sinh phẩm xét nghiệm thay đổi theo diễn biến cung-cầu của thị trường, nhà cung cấp, nước sản xuất với dải giá rộng, hơn nữa, việc cấp phép đăng ký lưu hành giấy phép nhập khẩu kít, sinh phẩm xét nghiệm gặp khó khăn do hồ sơ, tài liệu đăng ký của các đơn vị nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu, phải bổ sung, bên cạnh đó, việc Bộ Y tế cung cấp thông tin đôi lúc chưa đầy đủ, chưa kịp thời dẫn đến dư luận còn có ý kiến khác nhau liên quan đến giá, nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế, trong đó có kít sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế được triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành theo đúng thẩm quyền và quy định. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm.
- Chủ động lập kế hoạch và tổ chức mua sắm thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế... theo đúng quy định pháp luật và yêu cầu, kịch bản chống dịch đã đề ra; không để bị thiếu, không để bị động.
- Tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, sớm ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp với pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ triển khai, áp dụng; phối hợp với Bộ Tài chính để thống nhất thực hiện các biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành giá trong lĩnh vực y tế.
PV (T/h)