Thấy gì từ quyết định nối lại đường bay nội địa của Thanh Hóa
1 trong 9 tỉnh thành “gật đầu” mở lại đường bay nội địa
Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất các nội dung đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về khai thác vận tải hàng không nội địa Giai đoạn 1 từ Thanh Hóa đi/đến các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ. UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Cảng Hàng không Thọ Xuân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và sớm cấp phép khai thác đường bay đi/đến Thanh Hóa để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Như vậy, Thanh Hóa là 1 trong 9 địa phương “gật đầu” mở lại đường bay nội địa. Điều này minh chứng cho công tác chống dịch COVID-19 ở địa phương này đang được kiểm soát tốt. Ngoài đồng ý mở lại đường bay nội địa, Thanh Hóa cũng dần nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, thực hiện tốt “mục tiêu kép” đã đề ra.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất các nội dung đề xuất khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1 từ Thanh Hóa đi và đến các địa phương: TP.HCM, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ.
Trong văn bản, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không và CHK Thọ Xuân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Đồng thời xem xét cấp phép khai thác đường bay đi và đến Thanh Hóa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thanh Hóa đã, đang chống dịch hiệu quả
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua Thanh Hóa đã chủ động chuẩn bị các điều kiện ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, trong đó, đã kiểm soát chặt chẽ, sát sao mọi diễn biến dịch bệnh và xử lý triệt để các điểm dịch, ổ dịch tại các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực... Đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã được khống chế. Nhiều hoạt động trở lại và điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới từ 0h ngày 25/9.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học tổ chức dạy và học trở lại trong trạng thái bình thường mới (tổ chức ăn bán trú đối với bậc học Mầm non, Tiểu học, các Trường dân tộc nội trú, các Trường bán trú dân nuôi). Yêu cầu các cơ sở giáo dục - đào tạo phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, trước hết là thực hiện nghiêm việc sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cho giáo viên và học sinh hàng ngày.
Đối với các khu du lịch, điểm du lịch, di tích, danh thắng, văn hóa lịch sử: Được phép hoạt động không quá 50% công suất (chỉ đón và phục vụ khách trong tỉnh); khách và người trực tiếp hướng dẫn khách đến tham quan phải có xác nhận tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 và phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Đối với hoạt động vận tải hành khách: Xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách chỉ hoạt động trong nội tỉnh; yêu cầu mỗi chuyến xe chở không quá 50% chỗ ngồi/lượt; bắt buộc đo thân nhiệt hành khách, tuyệt đối không cho hành khách có dấu hiệu ho, sốt, khó thở lên xe; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR khách đi xe trên từng chuyến xe; bắt buộc đeo khẩu trang, ngồi giãn cách theo quy định. Lái xe, phụ xe (nếu có) phải có xác nhận tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 và phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Đối với các khách sạn và dịch vụ lưu trú: Cho phép hoạt động nhưng phải đảm bảo đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; khách đến phải có xác nhận đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng Covid-19, phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ và không đến từ các khu vực, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm từ 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 trở lên, phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ và thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế).
Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, quán bia, giải khát, bể bơi, phòng tập gym, bi-a, yoga: Mỗi cơ sở hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất, tối đa không quá 10 người (đối với khách sạn không quá 50 người, nhà hàng không quá 30 người) trong cùng thời điểm và chỉ được hoạt động đến 21giờ 00 hàng ngày.
Các cơ sở kinh doanh/dịch vụ phải đăng ký công suất hoạt động và cam kết với UBND xã, phường, thị trấn; ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR xác nhận đi/đến đối với khách hàng (riêng các nhà hàng, quán ăn, uống dọc quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh bàn ăn phải có vách ngăn). Yêu cầu chủ và người phục vụ tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ phải có xác nhận tiêm từ 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 trở lên, phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ và thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa: Mỗi cơ sở hoạt động theo nguyên tắc không quá 50% công suất, tối đa không quá 05 khách trong cùng thời điểm và chỉ được hoạt động đến 21giờ 00 hàng ngày; yêu cầu các cơ sở đăng ký công suất và cam kết với UBND xã, phường, thị trấn; ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và quét mã QR xác nhận đi/đến đối với khách hàng. Người trực tiếp phục vụ khách hàng phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-PCR trong vòng 72 giờ và thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Các đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, sinh nhật, mừng thọ, mừng nhà mới, gặp mặt: Hạn chế tổ chức, nếu tổ chức thì không mời khách ngoài, chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình với số lượng tham gia không quá 30 người và yêu cầu phải đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với UBND xã, phường, thị trấn và chịu sự giám sát của tổ Covid cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố nơi tổ chức.
Đối với tổ chức đám tang: Tổ chức gọn nhẹ, số lượng tham gia không quá 30 người, mỗi đoàn đến viếng không quá 05 người, yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, bắt buộc người đến viếng và tham gia lễ tang phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay; yêu cầu phải đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với UBND xã, phường, thị trấn và chịu sự giám sát của tổ Covid cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố nơi tổ chức. Khuyến khích thực hiện hỏa táng đối với người đã mất.
Hoạt động thể thao ngoài trời: Được hoạt động nhưng không quá 30 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, bắt buộc người tham gia hoạt động phải đeo khẩu trang. Các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng: Được tổ chức trong cơ sở thờ tự, số lượng không quá 30 người tham gia, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người và phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bặt buộc người tham gia hoạt động phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Các hoạt động khác: Không tập trung quá 30 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm ở vườn hoa, công viên, quảng trường, đường phố và tại các khu vực ngoài trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh, trường học, cơ sở y tế và các nơi công cộng khác; bắt buộc người tham gia hoạt động phải đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người.
Những con số biết nói mình chứng cho kế hoạch thực hiện “mục tiêu kép” của Thanh Hóa đang đi đúng hướng và hứa hẹn sẽ thành công ngoài mong đợi: 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế của địa phương vẫn giữ được nhịp phát triển ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực có tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp (tăng 15,5%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (11,1%), giá trị xuất khẩu (36,6%), doanh thu vận tải (15,1%), thu ngân sách nhà nước (15%), doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (12%)... chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.