Thẻ thông hành xanh: "Tấm vé" giúp du lịch hồi phục trở lại sau dịch?

12:44 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thẻ thông hành xanh cấp cho tất cả người dân trong nước và người nước ngoài tạm trú nổi lên như một giải pháp kích thích nhu cầu đi lại. Qua đó thúc đẩy sự hồi phục của một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng xấu bởi dịch COVID-19 như hàng không, du lịch...

Kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) dựa trên những khảo sát, phân tích ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. 

Nhóm nghiên cứu nhận định:  Chìa khóa để mở cửa trở lại công việc kinh doanh, đi lại, nhằm thực hiện nhiệm vụ kép "Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" chính là giải pháp chứng nhận an toàn dịch bệnh. 

TAB đề xuất thay thế cụm từ "Hộ chiếu vaccine" bằng "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" nhằm tránh cách hiểu chưa đầy đủ, hình thức chứng nhận mới này sẽ áp dụng cho di chuyển trong và ngoài nước. 

Hình ảnh kiểm tra hộ chiếu và tờ khai y tế của hành khách khi nhập cảnh Việt Nam tháng 3/2020. Nguồn: VnExpress

Nội dung nghiên cứu cho hay: các quốc gia trên thế giới đã cho phép người dân sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, các hoạt động trong nước như tham gia sự kiện, ăn uống tại nhà hàng. Cụ thể, 40 quốc gia/vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế đã triển khai chứng nhận an toàn Covid-19, trong đó, những minh chứng tiêu biểu nhất có thể đề cập tới như: "Chứng nhận xanh" trên nền tảng số của Liên minh châu Âu (EU), "Chứng nhận tiêm chủng Covid-19" của Tổ chức Y tế Công cộng Linux (LFPH), "Hộ chiếu Vaccine" của Philippines hay thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)...

Trên thực tế, tại Đông Nam Á thì Singapore cũng đưa ra hình thức gần giống là cấp thẻ thông hành cho du khách đã tiêm vaccine vào hồi cuối tháng 8. Cục xuất nhập cảnh Singapore sẽ cấp tem thông hành cho du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có trong danh sách WHO EUL(vaccine thuộc danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới).

Ngoài ra, để được cấp thể du khách sẽ phải trải qua xét nghiệm PCR một lần trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, một lần tại sân bay Changi (Singapore), tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi nhập cảnh tại một cơ sở y tế được chỉ định tại Singapore. Tất cả những khách du lịch đủ điều kiện sẽ được tham gia các hoạt động ăn, uống mà không cần thực hiện các xét nghiệm nhanh (PET) trước đó.

Trở lại với thẻ thông hành xanh tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất: Thẻ thông hành xanh của nước ta sẽ tích hợp một số loại chứng từ thông tin định danh cá nhân; thông tin hộ chiếu (nếu có); thông tin y tế phòng dịch Covid-19, bao gồm: Chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm vaccine, chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó còn thông tin quy định y tế của các bộ, ngành, cấp chính quyền.

Thẻ có hiển thị mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy để người sử dụng trình ra khi yêu cầu. Mã QR hiển thị màu xanh, vàng, đỏ tương ứng lần lượt với cho phép, cho phép có hạn chế và không cho phép khi đến một địa điểm, dựa trên quy định của Bộ Y tế. 

Đối tượng được cấp miễn phí gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài đã đăng ký tạm trú tại Việt Nam. Thẻ là cơ sở xác nhận để người dùng tham dự, sử dụng dịch vụ trong nhà, ngoài trời; đi lại trên phương tiện giao thông công cộng (phục vụ du lịch, công tác, thăm thân...) hoặc đi công tác, du lịch nước ngoài. 

Chuyên gia, doanh nghiệp ngóng giải pháp 

Theo Báo Người Lao động, nhiều chuyên gia, DN du lịch cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu có lộ trình thí điểm giải pháp về thẻ thông hành xanh cho thị trường nội địa. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ ra với tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngày càng tăng, có thể di chuyển nội địa thì việc nghiên cứu triển khai các hình thức tương tự "hộ chiếu vaccine" nhằm phục hồi thị trường trong nước là điều cần thiết. 

Nếu ngành du lịch hồi phục sẽ là đòn bẩy giúp kinh tế tăng trưởng, kéo theo sự trở lại mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ và cả thương mại, đầu tư, xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ… 

Cần sớm đưa trở lại ngành du lịch - vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường

Ông Thọ góp ý việc triển khai có thể tận dụng thông tin từ sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, tiện cho việc di chuyển và từ đó giúp  cơ quan quản lý dễ kiểm soát. Nếu ứng dụng sổ sức khỏe điện tử này có thêm phiên bản tiếng Anh thì có thể kết hợp với tổ chức quốc tế để sử dụng và minh chứng du khách Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong trường hợp muốn đi nước ngoài.

Tuy nhiên, việc triển khai cần phải giải quyết vấn đề hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, để khi triển khai là sản xuất, dịch vụ có thể vận hành, lưu thông ngay được. Bởi hiện ước tính trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tiêm được gần 20 triệu liều vaccine nhưng hầu như chưa được cập nhật đầy đủ trên Cổng tiêm chủng quốc gia; chưa kể mỗi bệnh viện cấp một mẫu chứng nhận khác nhau, những người khỏi bệnh cũng chưa được cập nhật đầy đủ… 

Trong khi đó, khối doanh nghiệp muốn triển khai sớm nhưng vẫn băn khoăn về lộ trình cụ thể ra sao? Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết: "Để một tour khởi hành, DN phải xây dựng sản phẩm, quảng bá, liên kết với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ khác, rồi điểm đến xong bán tour cho khách…".

Nhưng, trường hợp trong hành trình tour xuất hiện bệnh nhân F0 thì sẽ xử lý ra sao, không thể lại "đóng băng" như trước đây. Vì vậy, điều DN cần nhất là một lộ trình, kế hoạch rõ ràng để khởi động lại ngành du lịch của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương giúp cả DN và du khách không bị động; có giải pháp ứng phó rõ ràng trong từng tình huống. 

Còn theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group tin rằng cần triển khai "hộ chiếu vaccine" tạo điều kiện cho những ai đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại. Theo ông, cần nhanh chóng giải quyết vấn đề thể chế, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực và xúc tiến hiệu quả là những yếu tố giúp ngành du lịch sớm hồi phục khi hết dịch. 

 

Bắt đầu thí điểm "hộ chiếu sức khỏe"

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London (Anh).

Ngày 3/9, đại diện Vietnam Airlines thông tin rằng cùng với việc tiếp tục triển khai các chuyến bay thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử trong thời gian tới, hãng bay này đề xuất với thị trường nội địa, sau khi đại dịch được khống chế và nếu kế hoạch tiêm chủng những diễn biến tốt, có thể xem xét áp dụng cơ chế thông hành như thẻ thông hành xanh.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng có kế hoạch thí điểm đón 40.000 khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến từ tháng 10-2021. Ông Phạm Bá Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch - Thương mại DIC trả lời báo Sài Gòn Giải phóng rằng vị trí địa lý của Phú Quốc khá đặc biệt, cách biệt với đất liền, dân số ít có tiềm năng dễ phủ nhanh vaccine sớm tạo miễn dịch cộng đồng nên phương án thí điểm hoàn toàn khả thi.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Tp.Phú Quốc kỳ vọng rằng việc sớm chính thức triển khai hộ chiếu sức khỏe điện tử đón du khách, địa phương kỳ vọng sớm phục hồi lĩnh vực kinh tế không khói, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới sau đại dịch.