Thêm ngân hàng 'ngược dòng', tiếp tục tăng lãi suất

Lê Phương/TTXVN 08:42 | 29/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cập nhật đến ngày 28/4, một số ngân hàng vừa có động thái "ngược dòng", tiếp tục tăng lãi suất huy động trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vừa tăng lãi suất huy động thêm 0,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khi gửi tiền trực tuyến.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tăng từ 7,9%/năm lên thành 8,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng, từ 7,95%/năm lên 8,45%/năm và kỳ hạn 36 tháng, từ 7,7%/năm lên 8,2%/năm.

Đợt điều chỉnh này đã đưa lãi suất huy động tại NCB về mức tương đương với hồi đầu tháng 4, trước khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất điều hành lần 2. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng ở NCB là 8,55%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn từ 15 đến 30 tháng.

Không riêng NCB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã tăng lãi suất huy động thêm 0,4%/năm với kỳ hạn 18 tháng lên thành 8,8%/năm.

Tương tự, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng tăng nhẹ thêm 0,1%/năm tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng lên mức 7,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên ở ngưỡng 8,1%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hồi cuối tháng 3 đã tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến từ mức 8,56%/năm lên đến 9%/năm với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng.

Tuy nhiên đến nay, SCB đã giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng xuống còn 7,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 7,85%.

Cùng xu hướng giảm, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 18 tháng từ 8,5%/năm xuống mức 8,4%/năm

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng giảm nhẹ từ 8,1%/năm xuống 8%/năm; các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm.

Tại 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất huy động niêm yết đang ở mức thấp nhất thị trường. Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này hiện là 7,2%/năm.

Trước đó, tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng diễn ra chiều 25/4, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã họp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước định hướng sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết dù mặt bằng lãi suất đã có điều chỉnh giảm nhưng đâu đó vẫn có những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường.

Phó Thống đốc đã chỉ ra một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay cao và đề nghị các ngân hàng này phải nêu giải thích rõ lý do tại sao lại có mức chênh lệch như thế. Đồng thời đề nghị cơ quan thanh tra giám sát phải theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng này.

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc lãi suất huy động vẫn được điều chỉnh tăng phản ánh tình hình thanh khoản của ngân hàng còn căng thẳng. Điều này sẽ gây khó cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

"Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều rủi ro, doanh nghiệp còn khó khăn, lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng tăng hoặc giảm tỷ lệ thuận theo những rủi ro này", ông Hiếu nói.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định chính sách hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng thương mại giảm giá vốn huy động, giảm áp lực cạnh tranh, từ đó tự tin thúc đẩy cho vay ra.

"Dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng sẽ không nhiều. Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ rất tích cực trong quý II này", ông Hương dự báo.