Thị trường BĐS phía Nam phục hồi rõ nét, miền Bắc trầm lắng
Thị trường bất động sản phía Nam sôi động trở lại
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, từ quý IV/2022 đến nay, TP HCM đã cho phép chủ đầu tư hai dự án được huy động vốn 100% nhà ở và chủ đầu tư hai dự án được huy động 50% nhà ở tại dự án.
Đây là 4 dự án thuộc diện phải rà soát pháp lý và tính toán lại nghĩa vụ tài chính phát sinh. Tổng nguồn cung từ 4 dự án đạt 5.181 căn hộ. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2023, TP HCM đã cho bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 14.066 căn hộ.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết đã làm việc với Bộ Xây dựng để tiếp tục được hướng dẫn và tháo gỡ liên quan đến 10 nhóm vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội, 10 nhóm vướng mắc của các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và 4 nhóm vướng mắc về quy hoạch.
Đối với vướng mắc của các dự án nhà ở thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Quốc hội, từ cuối năm 2022 đến nay, TP HCM đã tổng hợp, báo cáo Tổ công tác của Chính phủ để rà soát, hướng dẫn xử lý.
Trong nhóm này, TP HCM đã họp và có hướng chỉ đạo tháo gỡ ngay đối với 28/42 dự án do Tổ công tác của Chính phủ chuyển đến. Còn 14/42 dự án, các sở, ngành đang tiếp tục rà soát pháp lý để báo cáo UBND TP HCM giải quyết theo từng trường hợp.
Ngoài ra, với 189 kiến nghị của 148 dự án từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện UBND thành phố đã chỉ đạo giải quyết được 43 kiến nghị của 39 dự án. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng.
Liên quan đến diễn biến các phân khúc tại khu vực phía Nam nói chung, báo cáo mới đây của DKRA cho biết, nguồn cung mới trong tháng 7 có sự khởi sắc so với tháng trước nhưng giảm mạnh 87% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu, chiếm 54% tổng nguồn cung toàn thị trường.
Sức cầu thị trường ở mức khá thấp, lượng tiêu thụ chỉ bằng 6% so với cùng kỳ, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý với mức giá trung bình dưới 13 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá sơ cấp giảm trung bình 4 - 6% so với lần mở bán trước đó (3 - 6 tháng).
Các chính sách như chiết khấu thanh toán nhanh, cam kết mua lại,... tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường, mặc dù vậy thanh khoản vẫn rất trầm lắng. Giá bán thứ cấp ghi nhận giảm trung bình 2 - 4% so với tháng trước, trong đó những sản phẩm đầy đủ pháp lý "sổ hồng trao tay" được người mua ưu tiên lựa chọn.
Chuyên gia DKRA dự báo, trước những tín hiệu tích cực về giảm lãi vay, động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Chính phủ,... dự kiến sẽ mang lại những khởi sắc cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng trong thời gian tới.
Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong tháng 7 ghi nhận tăng mạnh, gấp 3,4 lần so với tháng trước và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2022. Phân khúc căn hộ hạng A tại khu Đông TP HCM tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới, trong khi tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, căn hộ hạng B và C vẫn chiếm vị trí chủ đạo.
Sức cầu thị trường cải thiện đáng kể so với tháng trước, tuy nhiên, phần lớn lượng tiêu thụ chỉ tập trung tại một dự án đại đô thị thuộc khu Đông TP Thủ Đức được mở bán trong tháng.
Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, hỗ trợ ân hạn gốc/lãi vay,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Mặt bằng giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động. Thanh khoản thị trường thứ cấp vẫn tương đối trầm lắng, các giao dịch tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, mức giá trên dưới 2,5 tỷ đồng/căn.
Đối với phân khúc biệt thự/nhà phố, theo DKRA, lượng tiêu thụ trong tháng 7 vẫn ở mức rất thấp với tỷ lệ đạt khoảng 17% trên tổng nguồn cung mới, giảm gần 100% so với tháng 7/2022. Giá bán ghi nhận mức giảm đáng kể ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, dao động ở mức 6 - 8% so với đầu năm 2023.
Trong khi đó, thanh khoản thị trường ghi nhận vẫn rất trầm lắng, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện pháp lý và đi vào hoạt động.
Thị trường đất nền tại Hà Nội diễn biến ra sao?
Khảo sát mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất nền Đông Anh sau một thời gian giảm đang đi ngang. Cụ thể, đất nền Nguyên Khê sau khi giảm khoảng 10-15% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, hiện vẫn giữ mức giá trung bình dao động từ 38-43 triệu đồng/m2 từ cuối tháng 6 đến thời điểm hiện tại. Mức giá đi ngang sau khi giảm cũng diễn ra với đất nền Võng La với khoảng giá 34-40 triệu đồng/m2, đất nền Cổ Loa với mức giá 18-21 triệu đồng/m2, đất nền Hải Bối với mức 50-55 triệu đồng/m2.
Tại huyện Hoài Đức, đất nền sau đà giảm giá từ cuối năm ngoái thì từ đầu tháng 7/2023 đến thời điểm hiện tại không còn hiện tượng quay đầu giảm mà có xu hướng đi ngang. Đất nền Hà Nội có vị trí đường hai ô tô tránh nhau, có thể kinh doanh trong tương lai ở Di Trạch, Kim Chung, An Khánh duy trì mức giá trung bình 66-74 triệu đồng/m2. Đây là mức giá đã giảm trung bình từ 2-4 triệu đồng/m2 so với giữa năm ngoái. Từ tháng 7/2023, mức giá rao bán được duy trì 66-74 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Đông La, Kim Chung, Đức Thượng, Song Phương… sau thời gian giảm giá cũng duy trì mức giá ổn định 27-40 triệu đồng/m2 trong gần hai tháng nay.
Còn giá đất nền Đan Phượng cũng có xu hướng ổn định giá trong hơn 1 tháng qua. Khu mặt đường 422 Tân Lập vẫn đang có mức giá 52-57 triệu đồng/m2, đất mặt đường Tân Hội duy trì mức giá 55-57 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Hạnh Đàn, Liên Trung, Bình Minh… không có hiện tượng cắt lỗ trong thời gian gần đây, vẫn duy trì mức giá ngoài 20 triệu đồng/m2.
Giá đất nền Yên Nghĩa (Hà Đông) vẫn ghi nhận hiện tượng chủ đất rao bán giảm ở một số vị trí có giá từ 150 triệu đồng/m2 trở lên. Tuy nhiên, tại các vị trí có khoảng giá 50-60 triệu đồng/m2 thuộc Phú Lãm, Yên Nghĩa, Dương Nội, Thanh Hà… không diễn ra tình trạng cắt lỗ mà ghi nhận thực tế đi ngang. Thực tế giá cũng đi ngang trong khoảng 2 tháng qua tại đất nền Gia Lâm, đất nền Mê Linh, đất nền Thanh Oai…