Thị trường thương mại điện tử nhộn nhịp mùa mua sắm cuối năm

08:12 | 07/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường thương mại điện tử đang vào mua mua sắm cuối năm với những ngày mua sắm như: ngày lễ độc thân, Black Friday, tết dương lịch. Các trang mua sắm online đưa ra hàng loạt những chương trình giảm giá.
Chưa bao giờ thị trường mua sắm thương mại điện tử (TMĐT) cuối năm lại mang tính chất "sinh tồn" như năm nay, sau dịch COVID-19 hãng loạt các trang mua sắm đề ra những chương trinh khuyến mại nhằm lôi kéo khách hàng. Và đây là cơ hội cuối cùng để các sàn tăng tốc, cán mốc doanh số đề ra trong một năm đầy biến động
 
Có khả năng mang về doanh số ấn tượng với chi phí tiết kiệm so với phương thức kinh doanh truyền thống, bán hàng qua kênh thương mại điện tử đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là vào mùa “sale” truyền thống mỗi dịp cuối năm ngành TMĐT.
 

Đua nhau giảm giá

 
Giảm mạnh giá bán, tăng thời hạn bảo hành, tặng quà, sản phẩm độc quyền... là những chiêu thức để nhà bán hàng thu hút khách mua. Rất nhiều người khi có nhu cầu mua hàng cũng chờ vào những ngày siêu giảm giá cuối năm để móc hầu bao. Nỗ lực từ nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử, kết hợp với nhu cầu mua sắm cuối năm dâng cao, sẽ tạo nên doanh số mua bán bùng nổ.
 
Theo số liệu của Criteo, Ngày độc thân (11/11) năm 2019 chứng kiến ​​mức tăng 414% doanh số bán lẻ trực tuyến và tăng 273% lưu lượng (traffic) bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á, so với ngày thường.
 
Thống kê cho thấy ngay ở những tháng tăng trưởng thấp nhất, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 vẫn cao hơn năm ngoái. Dự báo cuối năm vẫn sẽ bùng nổ mua sắm ở những ngày như 11/11, 12/12, Black Friday. Đại diện một trang thương mại điện tử trong top 3 tại Việt Nam thừa nhận COVID-19 khiến tăng trưởng chậm hơn trước, tuy nhiên sức mua vẫn cao hơn năm ngoái.
 
Thị trường thương mại điện tử nhộn nhịp mùa mua sắm cuối năm - ảnh 1
 
Mới đây trong ngày 1/11, MoMo kết hợp với các nhà bán hàng tung ra loạt chương trình giảm giá. Ví điện tử này cho biết trong chưa đầy 16 tiếng, sự kiện có 1,2 triệu người dùng tham gia với hơn 2,6 triệu đơn hàng khuyến mại. 
 
Trước đó, doanh số chiến dịch bán hàng ngày 10/10 tăng trưởng hơn 30%, vượt qua kỷ lục của chiến dịch 9/9 - vốn là ngưỡng doanh số cao nhất trong vòng 10 năm nay của sàn thương mại điện tử này. Doanh số đó thậm chí cao gấp 3,5 lần và số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
 
Lý giải nguyên nhân bùng nổ mua sắm cuối năm, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki, cho rằng kinh tế hồi phục hậu COVID-19 đóng vai trò quan trọng.
 
Hãng nghiên cứu Criteo dự báo đỉnh điểm mua sắm năm nay tại Việt Nam sẽ rơi vào hai ngày 11/11 và 12/12, bất chấp dịch bệnh diễn biến ra sao. Những mặt hàng được mua nhiều nhất thường ngày và cả trong các sự kiện khuyến mại vẫn là: đồ điện tử, điện thoại, máy tính, thời trang, mỹ phẩm. "Nếu dịch bệnh phức tạp, một số ngành hàng phụ như đồ ăn dự trữ, đồ dùng gia đình sẽ tăng trưởng thêm", ông Steven Nguyen, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á tại Criteo trả lời truyền thông.
 
Trên toàn Đông Nam Á, Ngày độc thân vẫn là sự kiện mua sắm lớn nhất ở các quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, tại Indonesia, ngày 12/12 là thời điểm mua sắm lớn nhất.
 
Trung Quốc, nơi khai sinh Ngày độc thân 11/11, chứng kiến sức mua bùng nổ chưa từng có vào năm ngoái. Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, sức mua riêng tại quốc gia này vượt qua cả ngày Black Friday và CyberMonday trên toàn thế giới cộng lại. Tổng cộng, 38,3 tỷ USD đã được tung ra trong ngày 11/11 so với 7,4 tỷ USD của Black Friday và 9,4 tỷ USD của CyberMonday. Từ lâu, Ngày độc thân 11/11 không còn chỉ ở Trung Quốc mà lan ra toàn thế giới. Hồng Kông, Đài Loan và Đông Nam Á ghi nhận doanh số khủng trong dịp này.
 
Thị trường thương mại điện tử nhộn nhịp mùa mua sắm cuối năm - ảnh 2
 
Tại Việt Nam, ngày 7/7 và 8/8 có mức tăng doanh thu bán lẻ lần lượt là 64% và 61%. Doanh thu bán lẻ trong tháng 9 cũng tăng trưởng đáng kể trong ngày 9/9 ở mức 213%, theo ghi nhận của Criteo. Nhiều quốc gia khác trong khu vực diễn ra tình trạng tương tự. Những ngày bùng nổ doanh số trên sàn thương mại điện tử là do chính sách ưu đãi đến từ nhiều bên, kích thích nhu cầu mua sắm của người mua. Hết khuyến mại, nhu cầu mua sắm trở lại bình thường, không giảm.
 
Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trên nhiều nền tảng khác nhau. Cụ thể, năm 2019 mua hàng trung bình trên 4 nền tảng, năm 2020 là 5,7 nền tảng. Thói quen mua sắm mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đem sản phẩm của mình đến với khách hàng, gợi ý cho họ những điều thú vị về sản phẩm. Theo bà Yến Ngô, chuyên gia thương mại điện tử: "Đây là sự chuyển dịch từ thương mại điện tử đơn thuần sang thương mại điện tử khám phá đòi hỏi doanh nghiệp phải biết để đáp ứng. Truyền cảm hứng cho khách hàng là bước đầu tiên của thương mại khám phá".
 

Nhộn nhịp "tung chiêu" kéo khách

 
Đã khá quen thuộc với việc mua sắm qua "chợ mạng", chị Ngô Ngọc Thảo (nhân viên văn phòng ở TPHCM) - cho biết, thông thường từ tháng 10 trở đi, các sàn thương mại điện tử sẽ dồn dập tổ chức khuyến mãi và cao điểm khuyến mãi sẽ bắt đầu từ tháng 11 hàng năm. Vì thế, năm nào chị Thảo cũng chờ tới tháng 11 để tìm mua những sản phẩm yêu thích với giá ưu đãi. “Năm nay, tôi đã nhắm một số loại quần áo, đồ điện tử và đang chờ đợi tới ngày 11.11 để có thể lập tức săn hàng. 
 
Thị trường thương mại điện tử nhộn nhịp mùa mua sắm cuối năm - ảnh 3
 
Với chị Nguyễn Thị Nhung (nhân viên bán hàng tại Hải Dương) thì thời điểm cuối năm luôn rộn ràng bởi các đơn hàng mua sắm online gửi tới nhà. Chị Nhung chia sẻ có sở thích mua sắm thời trang, nhưng năm nay vì kinh phí có phần eo hẹp, mua sắm giảm đi. Giờ sắp tới ngày các sàn thương mại điện tử giảm giá mạnh nên chị sẽ tranh thủ canh giờ để tìm mua những đồ dùng yêu thích với giá rẻ hơn đến vài chục phần trăm.
 
Cũng theo chị Nhung, qua khảo sát chương trình giảm giá 11.11 sắp tới của một số sàn thương mại điện tử, và thấy bên cạnh sự giảm giá như mọi năm, việc chú trọng đến những sản phẩm có như cầu sử dụng hàng ngày đang được nhiều quan tâm với chị.
 
Theo giới kinh doanh, Ngay sau trào lưu 11/11, các sàn thương mại điện tử và nhãn hàng bắt đầu nghĩ đến một số ngày đôi khác nhằm kích thích mua sắm. Ba năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đều chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử khi các sàn giao dịch đều mạnh tay tổ chức hàng loạt các chương trình khuyến mãi vào dịp trùng cửu như 09.09; 10.10; 11.11; 12.12. Đây là dịp mua sắm cho cuối năm, các thương hiệu lẫn nhà bán hàng mạnh tay triển khai nhiều chương trình kích cầu giảm giá hấp dẫn nên lượng người mua hàng thường tăng đột biến.
 
Anh Thanh Tùng - một người kinh doanh hàng điện tử online - cho biết vào thời điểm này năm ngoái, nhiều người sẵn sàng thức đêm, chờ đợi giờ mở bán từ lúc 0h để săn hàng giảm giá, nhiều món hàng giá trị 3-5 triệu đồng tiêu thụ nhanh, nhưng hiện tượng này đã không xảy ra trong ngày 10-10 vừa qua. "Dịch đã tác động đến túi tiền của nhiều người, chưa kể việc hạn chế đi lại cũng khiến nhu cầu mua sắm giảm rõ".
 
Đại diện sàn TMĐT Sendo cho biết phí vận chuyển được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để kích thích hành vi mua sắm của người dùng. Giảm giá vận chuyển một phần có thể tăng khả năng mua hàng tới 50% và hoàn toàn miễn phí vận chuyển có thể tăng gấp đôi (100%) tỉ lệ chuyển đổi mua hàng của người dùng. "Chúng tôi khuyến nghị người bán hàng có các chương trình đồng hành với sàn để giảm tối đa chi phí vận chuyển cho người mua" - đại diện sàn TMĐT này nói.
 
Đại diện Lazada cũng thừa nhận các mã miễn phí vận chuyển luôn được người tiêu dùng thu thập nhiều nhất. Trong khi đó, Tiki ổn định với chính sách giao hàng đúng hẹn trong thời gian diễn ra dịch, các chương trình miễn phí vận chuyển, đảm bảo trải nghiệm mua sắm xuyên suốt nhờ vào dịch vụ giao nhận nhanh chóng. Ngoài ra, các sàn cũng hỗ trợ người bán công cụ livestream (phát trực tiếp) bán hàng, giao hàng nhanh chóng... tăng tương tác với người dùng.
 
Tuy vậy, theo nhiều người tiêu dùng, các sàn TMĐT vẫn phải giải quyết lòng tin vì rủi ro mua hàng kém chất lượng, giao dịch lừa đảo... khi mua hàng online vẫn nhan nhản. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), cho biết trong mùa dịch, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh sàn TMĐT cũng tăng mỗi ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, giám sát cam kết chất lượng của nhiều đơn vị chưa chặt chẽ tương ứng.
 
Nguyễn Dung(t/h)