Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể hạ nhiệt từ quý II
Quý I, doanh nghiệp bất động sản chiếm 47% giá trị phát hành trái phiếu
Theo thông tin do VCBS tổng hợp đến hết ngày 25/4/2022, trong quý I vừa qua đã có khoảng 56.131 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán trong nước thông qua 75 đợt phát hành. Kỳ hạn phát hành trung bình trong quý I là 2,49 năm.
Do thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có độ trễ trong công bố thông tin các đợt phát hành, nên giá trị phát hành thực tế trong quý có thể cao hơn con số hiện được thống kê. Từ cơ sở này, VCBS đánh giá lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong kỳ vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo ngành nghề, nhóm bất động sản vẫn là nhóm chào bán trái phiếu thành công nhất với giá trị và tỷ trọng lớn nhất thị trường trong quý I, chiếm 47% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường. Tiếp theo đó là nhóm xây dựng (30%) và nhóm các tổ chức tín dụng (11%).
Xét theo hình thức phát hành, khối lượng phát hành ra công chúng trong quý 1 đạt 8.695 tỷ đồng với 16 đợt, chiếm 15% tổng giá trị phát hành.
Ngoài ra, VCBS trích số liệu trên cổng thông tin Trái phiếu doanh nghiệp cho biết tính từ đầu năm tới ngày 7/4, ước tính có thêm khoảng 78.880 tỷ đồng giá trị trái phiếu được phát hành trong năm 2021 được công bố. Trong đó, lượng phát hành được bổ sung thông tin trong đợt này chủ yếu tập trung vào thời điểm tháng 12. Như vậy, trong cả năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chào bán trong nước ước đạt khoảng 719.682 tỷ đồng, tức tăng 63,4% so với năm 2020.
Theo thống kê của ABO, trong năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc với giá trị ước đạt khoảng 26 tỷ USD, tăng 112,5% so với năm 2020 và chiếm 28,7% tổng quy mô thị trường trái phiếu (tăng đáng kể so với quy mô 17,2% ghi nhận vào quý IV/2020).
Thị trường TPDN còn nhiều dư địa phát triển bền vững
Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030; trong đó bao gồm một số nội dung đáng chú ý liên quan đến thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Các chỉ tiêu cụ thể mà Chiến lược đưa ra như sau: Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Dựa trên những mục tiêu này, VCBS nhận định trong dài hạn, định hướng của cơ quan quản lý là tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, nâng cao vai trò trái phiếu doanh nghiệp trong việc là kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Do đó, trong giai đoạn tới, dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa phát triển theo xu hướng bền vững, đẩy mạnh công bố thông tin minh bạch, chất lượng.
Dự báo cho năm 2022, VCBS nhận định mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng khoảng 0,5-1% và nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng cao khi nền kinh tế phục hồi. Điều này được thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng lên tới 5,04% của toàn nền kinh tế trong quý I/2022, vượt xa mức tăng 2,16% của quý I/2021. Với những cơ sở này, dự kiến lãi suất trái phiếu doanh nhiều khả năng cũng được điều chỉnh tăng tương ứng đặc biệt là các trái phiếu có lãi suất thả nổi hay thuộc các phân khúc trái phiếu có lãi suất cao nhất thị trường như Bất động sản - Xây dựng.
Cùng với đó, một số sự kiện gần đây đánh dấu giai đoạn tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, các chuyên gia từ VCBS cho rằng kể từ quý II, thị trường sẽ dần hạ nhiệt và qua đó đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển bền vững với những sản phẩm chất lượng cung cấp cho nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện vai trò là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, VCBS nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tín dụng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với cả 2 vai trò nhà đầu tư và nhà phát hành.
“Với vai trò nhà đầu tư, theo số liệu được NHNN đưa ra, tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó, góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Với vai trò nhà phát hành, TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường TPDN. Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng TPDN phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế”, báo cáo của VCBS chỉ rõ.
Với vai trò quan trọng như vậy, VCBS nhận định tổ chức tín dụng khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán còn phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng.