Thoái vốn Pacific Airlines có thể giúp Vietnam Airlines ở lại HOSE
Nếu kết quả kinh doanh cuối năm nay không có đột biến, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có thể sẽ thuộc diện hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vì âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và thua lỗ ba năm liên tiếp.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty đang chủ động làm nhiều giải pháp để hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được tiếp tục ở lại HOSE.
Trước hết, Tổng công ty cố gắng cắt giảm chi phí khai thác và vận hành, đồng thời tận dụng đà hồi phục của thị trường hàng không để giảm thiểu mức lỗ.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đang tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư ngoài doanh nghiệp để gia tăng nguồn thu nhập và dòng tiền trong giai đoạn 2022 – 2025. Từ 2023 trở đi, Tổng công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines lỗ sau thuế hơn 5.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm, đồng thời âm vốn chủ gần 4.900 tỷ đồng và lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ gần 6.800 tỷ.
Như vậy, để tránh cả ba nguy cơ hủy niêm yết, Vietnam Airlines cần bổ sung vốn chủ sở hữu thêm khoảng 12.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay (lãi 5.200 tỷ để tránh thua lỗ trên báo cáo cả năm, và thêm 6.800 tỷ để vốn điều lệ lớn hơn lỗ lũy kế và tránh âm vốn chủ).
Trao đổi với chúng tôi sáng nay 14/9, một đại diện của Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty giữ nguyên kế hoạch lỗ 9.335 tỷ đồng trong năm nay như đã trình đại hội cổ đông thông qua ngày 28/6. Việc phát hành thêm cổ phiếu cũng phải đợi đến giai đoạn 2023 – 2025 mới có thể thực hiện được. Nói cách khác, nguồn tăng vốn chủ của Vietnam Airlines trong những tháng tới là khá hạn chế.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết Vietnam Airlines đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp khác để giúp cổ phiếu HVN tiếp tục niêm yết ở HOSE. Cụ thể, kế hoạch thoái vốn khỏi hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines – nếu được thực hiện thành công – sẽ có tác động rất tích cực tới số liệu tài chính của Vietnam Airlines.
Hiện nay, Tổng công ty đang sở hữu 98% vốn tại Pacific Airlines và số lỗ lũy kế của công ty con này là khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Nếu tìm được nhà đầu tư mua cổ phần Pacific, Vietnam Airlines sẽ có thêm nguồn thu nhập tài chính cũng như dòng tiền.
Bên cạnh đó, nếu tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 50%, tức là Pacific không còn là công ty con của Vietnam Airlines, thì khoản lỗ hàng năm cũng như lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ của Pacific sẽ không còn được hạch toán toàn bộ trên báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines.
Như vậy, thương vụ thoái vốn Pacific Airlines có thể giúp Vietnam Airlines giảm lỗ lũy kế và bớt âm vốn chủ, có tác dụng đáng kể trong nỗ lực tránh hủy niêm yết.
Một đại diện khác của Vietnam Airlines cho biết hiện đã có ba nhà đầu tư tỏ ý quan tâm tới việc mua cổ phần Pacific Airlines và đang làm các nghiệp vụ thẩm định chuyên sâu (due dilligence) trước khi ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, việc thoái vốn Pacific Airlines cũng tiềm ẩn nhiều vướng mắc khi các quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản khác có sự mâu thuẫn với nhau, khó triển khai.
Pacific Airlines có tên cũ là Jetstar Pacific Airlines, từng do Qantas Airways sở hữu 30% vốn. Cuối năm 2020, trong bối cảnh toàn ngành hàng không thế giới đang lao đao vì COVID-19, Qantas đã tặng lại toàn bộ 30% cổ phần tại Jetstar Pacific Airlines cho Vietnam Airlines.
Sau khi tiếp nhận số cổ phần mà Qantas cho không, Vietnam Airlines đã đổi tên Jetstar Pacific Airlines thành Pacific Airlines như ngày nay, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời thực hiện một số giải pháp tái cơ cấu.
Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines hiện nay có vốn điều lệ 3.522 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong các hãng hàng không Việt Nam.