Thu phí đường tránh Đông Hưng, Tasco làm gì để không đi vào “vết xe đổ” của BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc?

16:00 | 20/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gần 3 năm sau bão lùm xùm tại dự án BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc, ngày 1/6 tới đây, Tasco sẽ thu phí trên tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). Tasco phải làm gì để tránh đi vào vết xe đổ trước đây?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan, cho phép tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km72+800 tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, QL10, tỉnh Thái Bình.

Theo đó, Công ty cổ phần Tasco (nhà đầu tư), Công ty TNHH MTV Tasco 6 (doanh nghiệp dự án) được phép tổ chức thu phí tại trạm thu phí Km72+800 tuyến tránh Đông Hưng từ 6h ngày 1/6/2021 tới để hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ, huyện Vũ Thư (Thái Bình), và dự án đầu tư bổ sung tuyến tránh Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Thu phí đường tránh Đông Hưng, Tasco làm gì để không đi vào “vết xe đổ” của BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc? - ảnh 1

Trạm thu phí đường tránh Đông Hưng chính thức thu phí từ 1/6/2021.

Tasco 6 được thu phí với mức thấp nhất là 20.000 đồng/lượt với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng. Mức cao nhất là 120.000 đồng với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet.

Tuyến đường tránh này dài khoảng 7km, đi qua các xã Đông Các, Đông Hợp, Đông La và Đông Sơn của huyện Đông Hưng. Trạm gồm 4 làn thu phí theo công nghệ thu phí không dừng ETC. 

Đây là tuyến đường được kỳ vọng sẽ giảm tải cho QL 10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng, bởi luôn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, tai nạn giao thông.

Như vậy, sau 6 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, BOT đường tránh Đông Hưng chính thức được thu phí. 

Tuy nhiên, từ góc nhìn của những người thường xuyên di chuyển qua các tuyến đường liên tỉnh Nam Định đi Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương… trạm BOT đường tránh Đông Hưng chính là “cửa thoát hiểm” của ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco, một đại gia Nam Định, ông trùm BOT thời kỳ sơ khai.

Trên thực tế, phải đến tháng 12/2018, giữa những bão lùm xùm tại BOT Tân Đệ (huyện Vũ Thư), Bộ GTVT mới chấp thuận việc chuyển trạm thu phí Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng. Đây là nước cờ giúp Tasco giải quyết điểm nóng khi nhiều tháng khi đối diện với phản đối của người dân tại trạm thu phí Tân Đệ.

Thu phí đường tránh Đông Hưng, Tasco làm gì để không đi vào “vết xe đổ” của BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc? - ảnh 2

Ẩu đả tại BOT Tân Đệ giữa các tài xế và nhân viên thu phí thời điểm năm 2018. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, từ đầu tháng 6/2018, tại trạm thu phí BOT Tân Đệ thường xuyên xảy ra tình trạng tài xế không trả phí qua trạm. Đỉnh điểm là trong các ngày 5-6/6, một số tài xế container, xe con đã hất tung barie của trạm, đồng thời không nộp phí với lý do, việc thu phí tại đây là vô lý.

Sau khi sự việc trên xảy ra, dư luận và báo chí đổ dồn sự tập trung vào dự án này của “ông trùm” BOT Phạm Quang Dũng. Rất nhiều thông tin cho rằng, trạm thu phí cầu Tân Đệ mặc dù đã hết thời gian thu phí nhưng vẫn tồn tại nhiều năm. Vì sao BOT Tân Đệ lại thu phí “hộ” cá tuyến đường tránh Đông Hưng (cách nhau 20km). Nhiều tài xế cho rằng, đây là điều hết sức phi lý, trạm ở một đằng, thu phí một nẻo!?

Dư luận cũng đặt câu hỏi, vì sao mức thu phí tại trạm BOT Tân Đệ luôn cao hơn mức quy định.

Trước sức ép này, Tasco đã phát đi thông cáo báo chí, khẳng định Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ Cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ và đoạn tránh thị trấn Đông Hưng tỉnh Thái Bình trên QL10 theo hình thức hợp đồng BOT, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban,ngành, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận. Việc thu phí ở trạm Tân Đệ được thực hiện theo hợp đồng với Bộ GTVT, theo đó thời gian thu dự kiến kết thúc vào tháng 1/2021.

Thực tế, trong thông cáo báo chí này, Tasco này vẫn không rạch ròi câu chuyện trạm BOT Tân Đệ thu phí “hộ” cả tuyến đường tránh Đông Hưng. Với những xe không đi qua tuyến tránh Đông Hưng mà vẫn phải trả tiền cả tuyến tại BOT Tân Đệ, đây là điều hết sức phi lý?

Để xử lý lùm xùm, tháng 1/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra văn bản xóa bỏ BOT Tân Đệ và di dời về đặt tại tuyến đường tránh Đông Hưng.

Thu phí đường tránh Đông Hưng, Tasco làm gì để không đi vào “vết xe đổ” của BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc? - ảnh 3

Hình ảnh tài xế đóng cửa ngủ trên xe tại trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) để phản đối việc thu phí.

Không chỉ vướng lùm xùm tại Thái Bình, ngay trên quê hương của mình, “ông trùm” BOT Phạm Quang Dũng cũng bị người dân phản đối kịch liệt tại dự án BOT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc – Nam Định).

Trạm BOT này được đặt trên QL 21A, khởi công từ tháng 1/2010, đi vào hoạt động từ tháng 6/2012. Nhưng trên thực tế, dự án này đã được ưu ái thu phí hoàn vốn từ ngày 1/8/2009 (trạm thu phí ở tuyến QL 21A), và được hỗ trợ toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, trên một tuyến đường dài chỉ 25km, có tới 3 dự án thu phí của cùng chủ đầu tư – Tasco. Trong đó, bao gồm cả dự án BT và BOT. Không chỉ chồng chéo, việc BOT Mỹ Lộc thu phí với mức khá cao (thấp nhất 30.000, cao nhất 160.000 đồng/lượt), với thời gian thu phí dài là điều rất bất hợp lý, và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới phản đối của công chúng.

Phản đối của các tài xế đã xảy ra theo, chuỗi từ BOT Tân Đệ tới BOT Mỹ Lộc. Sau những ngày dài bị các tài xế từ chối trả tiền, Tasco đã phải xả trạm, tạm dừng việc thu phí tại BOT Mỹ Lộc.

Tuy nhiên, sau gần 7 tháng, tới ngày 20/3/2019, doanh nghiệp này tái khởi động việc thu phí tại đây chứ không xóa bỏ hoàn toàn như trạm BOT Tân Đệ. Để giảm sức nóng từ dự luận và các tài xế, Tasco đã đồng ý thực hiện việc giảm 25 – 50% so với mức phí cũ.

Trở lại câu chuyện tới đây, Tasco sẽ thực hiện việc thu phí tuyến đường tránh Đông Hưng từ 1/6. Nhìn lại 2 sự kiện từ BOT Tân Đệ hay Mỹ Lộc, dư luận đang băn khoăn, liệu Tasco có rút ra được bài học hay kinh nghiệm gì không. Liệu Chủ tịch Phạm Quang Dũng có thể chèo lái con thuyền Tasco tránh được vết xe đổ này ?.

THU QUỲNH

Xem thêm: Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 3): Giật mình trước những sai phạm của Gamuda và Tasco