Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất có sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng

16:35 | 03/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Luật Đất đai 2013, nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất có sổ đỏ thì người có nhu cầuphải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Anh Phú chia sẻ, anh có một thửa đất trồng cây lâu năm, hiện muốn chuyển mục đích sang đất ở để xây nhà. Tuy nhiên, anh lại gặp vướng mắc là sổ đỏ lại đang để thế chấp ở ngân hàng. Anh Phú không khỏi băn khoăn trong trường hợp này anh có được chuyển mục đích sử dụng đất với thửa đất này không.
 
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất có sổ đỏ đang thế chấp
 
Trong trường hợp của anh Phú, luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP HCM) tư vấn, theo điều 57 Luật Đất đai thì nếu người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu phù hợp, cơ quan này sẽ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
 
Người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; áp dụng chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo loại đất được chuyển mục đích sử dụng.
 
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất có sổ đỏ đang thế chấp
 
Do đó, nếu muốn chuyển đổi mục đích, theo khoản 1 điều 60 Nghị định 43/2014, anh Phú cần nộp hồ sơ tới Phòng Tài nguyên và Môi trường khi xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình; nếu chuyển mục đích sử dụng đất tổ chức thì nộp hồ sơ tại Sở Tài Nguyên và Môi Trường. Hồ sơ gồm các giấy tờ được quy định theo khoản 1 điều 6 thông tư 30/2014 như sau:
 
Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu 01 ban hành kèm Thông tư 30/2014.
 
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
 
Có thể thấy, sổ đỏ là yếu tố bắt buộc cần có khi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, anh Phú cần thỏa thuận với ngân hàng (tức bên nhận thế chấp) theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 để được mượn lại sổ đỏ và làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng. Với trường hợp ngân hàng không đồng ý cho mượn lại số, anh Phú có thể tính tới phương án thứ hai là giải chấp. Ngân hàng có cho bên thế chấp mượn lại sổ đỏ không phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa hai bên.
 
Luật sư Hữu cho rằng, chỉ cần hai bên trên cùng có tinh thần thiện chí, hỗ trợ lẫn nhau thì ngân hàng sẽ cho bên thế chấp mượn lại sổ đỏ dưới hình thức nhân viên ngân hàng trực tiếp đi làm mọi thủ tục liên quan tới việc xin chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy cả hai bên đều có thể đảm bảo lợi ích của mình, ngân hàng không lo gặp rủi ro và bên thế chấp cũng đảm bảo quyền chuyển mục đích sử dụng đất.
 
 
 
Linh Chi (t/h)