Thủ tướng: Cần tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển
18:05 | 02/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhận định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng cần tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau 30 năm đổi mới của đất nước, nhất là thời gian kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta cùng nhau chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế- xã hội rất tích cực về tốc độ tăng trưởng GDP, về xuất khẩu, xuất siêu, dự trữ ngoại hối, về giải quyết việc làm và tăng năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, v.v… Đặc biệt năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục. Trong sự phát triển đó có vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các loại hình hợp tác xã và kinh tế hộ. Đăc biệt, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Điều đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% NSNN, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường và được người dân trong nước tin tưởng. Nhất là, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp xa so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.
Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau (từ Sâm ngọc linh, tôm công nghệ cao, ngành gỗ, ngành lúa gạo, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô…). Vì vậy, Thủ tướng tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Do đó, cần những giải pháp đột phá nào, cơ chế hợp tác công-tư thế nào trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh mới, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp?
Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn.
Thủ tướng dùng 10 từ cho khu vực này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân. Nói về bình đẳng, đó là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khách, nhất là tiếp cận nguồn lực. Đặc biệt, cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân. Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Về vấn đề khởi nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như doanh nghiệp trẻ về đổi mới. Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh; có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công; Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường. Còn về hạ tầng: Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường: cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.