Thương mại Việt Nam-Thái Lan: Hướng tới mục tiêu 25 tỷ USD
Với vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, tận dụng các tuyến đường kết nối như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam... thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực logistics, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa nên bất chấp dịch COVID-19, quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam-Thái Lan phát triển tích cực.
Cùng đó, Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 16-19/11/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao sẽ tạo đà để quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.
Gắn kết chặt chẽ
Nhận định về kết quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan có mức tăng trưởng tốt.
Quy mô thương mại giữa hai nước không ngừng được mở rộng, tăng gần gấp đôi từ mức 9,4 tỷ USD năm 2016 lên 17,9 tỷ USD năm 2021; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt xấp xỉ 10%/năm.
Đặc biệt, tiếp tục đà tăng trưởng, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đạt 17,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Chính phủ hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan đồng chủ trì để thúc đẩy hợp tác và giải quyết kịp thời những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quan hệ kinh tế, thương mại.
Kỳ họp lần thứ 4 đã được hai bên tổ chức vào tháng 4/2022 tại Bangkok, Thái Lan với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan.
Bên cạnh đó, Việt Nam-Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác, và đặc biệt phải kể đến là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Đáng lưu ý, trong thời gian việc đi lại bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, các hoạt động xúc tiến thương mại được cơ quan đối tác hai bên phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi việc đi lại trở lại bình thường, các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội thảo kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... được thực hiện theo hình thức trực tiếp để nâng cao hiệu quả.
Các hoạt động nổi bật như: Tuần hàng Việt Nam tại Thái lan (được triển khai từ năm 2016), Tuần lễ Thái Lan tại Việt Nam, các Hội chợ thương mại, ẩm thực Thái Lan tại các tỉnh thành của Việt Nam... Các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam tại Thái Lan cũng được triển khai, hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia.
Theo các chuyên gia thương mại, nhóm hàng chế biến, chế tạo là nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt giá trị cao nhất, chiếm tỷ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan.
Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm này gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm; hàng dệt may... là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm hàng này. Ngoài ra, vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Trong nhóm hàng nông thủy sản là nhóm hàng có cơ cấu khá tương đồng với cơ cấu hàng của Thái Lan, Việt Nam vẫn có thế mạnh xuất khẩu như càphê, hạt điều, một số loại rau quả công nghệ cao, rau hữu cơ, thủy sản.
Bà Nguyễn Vân Nga - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cho hay Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ và có sự phối hợp tích cực trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn đạt gần 19 tỷ USD, là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay.
Đặc biệt, mới đây Tuần lễ sản phẩm Thái Lan 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan liên quan của Việt Nam và Thái Lan đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời phản ánh tiềm năng thị trường Việt Nam trong ASEAN và được doanh nghiệp Thái Lan hướng tới.
Khơi thông dòng chảy
Đánh giá về thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu sang Thái Lan, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho rằng, Việt Nam và Thái Lan cùng là thành viên tích cực trong khuôn khổ hợp tác thương mại đa phương và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng.
Điều này không chỉ giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.
Cùng đó, Thái Lan có hệ thống kênh phân phối đa dạng, nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống này và tới người tiêu dùng Thái Lan.
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là nhóm ngành nông thủy sản nên hàng hóa xuất khẩu của hai nước có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Đến nay, Thái Lan mới chỉ cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây tươi của Việt Nam (thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài), quy trình thủ tục để mở cửa cho một loại trái cây mất nhiều thời gian. Do đó, nông sản nói chung và trái cây tươi của Việt Nam, mặc dù có chất lượng tốt nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan còn hạn chế.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái nên khâu chế biến, bao gói chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chia sẻ về thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy- Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay, người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Thực phẩm cũng là phân khúc mục tiêu của doanh nghiệp Việt tuy nhiên đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu.
Với mặt hàng này hệ thống phân phối đã khá hoàn thiện, hơn nữa Thái Lan bảo hộ khá ngặt nghèo với ngành công nghiệp thực phẩm nên nhập khẩu cũng khó khăn.
Do đó, doanh nghiệp Việt nếu không có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể và mạnh mẽ rất khó cạnh tranh. Nhận diện thương hiệu thực phẩm nói riêng, hàng Việt nói chung chưa cao cũng cần thời gian xây dựng.
Mặt khác, kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu vào Thái Lan cũng cần chú ý tới yếu tố thị hiếu thích màu sắc, ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khoẻ như ít đường, ít dầu mỡ và chú ý tới xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong mua sắm của người tiêu dùng.
Hơn nữa, khi xuất khẩu vào Thái Lan, doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến cáo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển.
Đặc biệt, tăng cường tham dự các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phù hợp. Kết nối với Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ thông tin thị trường; quảng bá thương hiệu trên cơ sở niềm tin sẵn có của người tiêu dung; xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định năng lực sản xuất đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng khác của Việt Nam đã được nâng cao, đảm bảo uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý, cạnh tranh.
Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Đại sứ và các cơ quan, đơn vị thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiếp tục hỗ trợ thương vụ, cũng như các đơn vị thuộc Bộ Công Thương triển khai các chương trình hợp tác giữa hai nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước và vun đắp tình hữu nghị giữa hai bên.
Để hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương 25 tỷ USD, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường Thái Lan, nhất là nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các hành vi, sở thích tiêu dùng của người dân Thái Lan, xu hướng tiêu dùng, các đối thủ cạnh tranh, hệ thống bán lẻ, phân phối…
Bên cạnh đó, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng Thái Lan.
Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thông qua việc đầu tư công nghệ chế biến, chế biến sâu; đầu tư về mẫu mã, bao gói; chú ý đến việc tiếp thị, marketing và bảo vệ thương hiệu.